Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 05:01
Chủ nhật, 27/08/2023 11:08
TMO - Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến ngày càng phức tạp và bất thường, gây thiệt hại nghiêm trọng. Cùng với việc triển khai các giải pháp trong phòng, chống thiên tai, địa phương này huy động và bố trí nguồn lực hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ trên.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt mưa lũ xảy ra trong những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Cụ thể, trên địa bàn các huyện Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông xảy ra ngập lụt cục bộ ở nhiều nơi khiến một nhà dân bị sập; 12 nhà bị tốc mái; hơn 100 nhà bị ngập nước; gần 7.600 ha cây trồng các loại bị ngập; hơn 700 con gia cầm bị cuốn trôi và một số diện tích ao nuôi thủy sản bị ngập nước; hơn 16 km kênh mương bị hư hỏng, một số vị trí trên tuyến kênh của hồ chứa nước Ea Súp thượng bị vỡ và một số công trình thủy lợi khác bị hư hỏng, xói lở nghiêm trọng. Quốc lộ 14 tuyến đường tránh trung tâm thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H’leo) bị sạt lở mái taluy âm dẫn đến sụt lún nền đường với chiều dài khoảng 35m… Ước tính thiệt hại toàn bộ do thiên tai là hơn 156 tỷ đồng.
Nhiều diện tích lúa tại huyện Lắk đến vụ thu hoạch bị ngập nặng trong đợt mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua. Ảnh: BX.
Đắk Lắk là tỉnh miền núi với địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Cùng với đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết trên địa bàn diễn biến bất thường, không theo quy luật, đặc biệt những năm gần đây thường xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan khiến công tác phòng, chống thiên tai gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ thiên tai gồm: 9 trận lốc tố, dông sét; 5 đợt mưa lũ lớn; 2 vụ sạt lở đất làm 1 người chết, 4 người bị thương; 194 nhà bị ngập nước, hư hỏng; 8.416 ha cây trồng bị ảnh hưởng; 20 ha ao nuôi cá bị ngập, cuốn trôi và 27.460 m kênh mương các loại bị xói lở, hư hỏng. Ngoài ra, thiên tai còn gây hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng và tài sản, tổng thiệt hại kinh tế gần 243 tỷ đồng.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, cụ thể: Nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời do thiếu nguồn lực (theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh chỉ khoảng 23% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới từ công trình thủy lợi; phần còn lại phụ thuộc nước ngầm và sông, suối tự nhiên); việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế do chi phí đầu tư ban đầu khá cao; do đó việc triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán còn gặp nhiều khó khăn. Các công trình cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo an toàn trước thiên tai, đặc biệt là các vùng sâu, vùng khó khăn, công trình giao thông bị hư hỏng, xuống cấp, các trường học (điểm trường) xây dựng đơn sơ, tạm bợ không có khả năng chống chịu trước thiên tai, làm gia tăng rủi ro khi thiên tai xảy ra.
Ngân sách hàng năm bố trí cho phòng chống thiên tai còn hạn chế (hằng năm vẫn còn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương hỗ trợ, tỉnh chưa cân đối được), trong khi đó nguồn thu từ Quỹ phòng chống thiên tai chỉ đáp ứng một phần trong việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai cần nguồn kinh phí lớn, tuy nhiên trong thời gian qua việc đầu tư cho hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu thực tế (cụ thể: Năm 2022 nhu cầu khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra khoảng 392,9 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ mới huy động được 65,7 tỷ đồng, chỉ đạt khoảng 17%).
Do đó dẫn đến việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày càng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng chống thiên tai ở cấp huyện, cấp xã còn hạn chế; Phương tiện, vật tư, năng lực cứu hộ, cứu nạn bất cập chưa đáp ứng yêu cầu của công tác tìm kiếm cứu nạn.
Đắk Lắk huy động nguồn lực cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, địa phương này đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025 từ nguồn đầu tư của Bộ, chương trình, dự án phòng chống thiên tai, các dự án ODA và các nguồn đầu tư khác, với tổng kinh phí 25.602 tỷ đồng; sớm chuyển giao bản đồ ngập lụt trên lưu vực sông Srêpốk cho địa phương để các tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa có liên quan xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định; quan tâm hỗ trợ nghiên cứu giải pháp tiêu thoát lũ nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt huyện EaSúp; hướng dẫn thực hiện hỗ trợ ngành Thuế kinh phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ Phòng chống thiên tai.
Đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai quan tâm, hỗ trợ Tỉnh trong việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hiện Đề án cấp tỉnh và kinh phí để triển khai thực hiện các hoạt động thuộc Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xem xét, cấp bổ sung một số trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, như: theo dõi sát diễn biến thời tiết nhằm chủ động cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ thuật ứng phó, di dời, sơ tán người dân khi có thiên tai; chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”; quản lý, đầu tư, xây dựng và duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê điều, hồ đập và công trình phòng chống thiên tai khác. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và người dân các địa phương, với gần 300 lượt người tham gia; thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai tại 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, với trên 15.000 thành viên.
Thu Hoài
Bình luận