Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ sáu, 22/03/2024 15:03
TMO - Ngành Nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm 2023 ước đạt 14.05,2 tỷ đồng; tăng trưởng 2,4% so với năm 2022; trong đó nông nghiệp ước đạt 12.452 tỷ đồng; tăng 2,19%; thủy sản 1.591,3 tỷ đồng; tăng 4,0% so với năm 2022.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất ở cả 3 lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu số nông nghiệp cho phép lưu trữ, quản lý dữ liệu của ngành nông nghiệp, kết hợp với ứng dụng hiển thị thông tin dữ liệu là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đến nay, triển khai công nghệ số trong trồng trọt đã được ngành nông nghiệp ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn OTAS trong quản lý và cấp chứng nhận mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp (hy.check.net.vn); xây dựng và duy trì sản phẩm nông, lâm, thủy sản tham gia hệ thống...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến (VAHIS) trong báo cáo dịch bệnh ở đàn vật nuôi; xây dựng bản đồ dịch tễ làm cơ sở để tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Lĩnh vực thủy sản đã được xây dựng, thiết lập hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nuôi thả thủy sản trên địa bàn
(Ảnh minh họa)
Ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số ngành nông nghiệp tại tỉnh Hưng Yên còn thể hiện ở chỗ nhiều vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung thay vì sử dụng cách tưới nước truyền thống, nay đã đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến... Ðối với sản xuất lúa, nhiều địa phương đã đưa thiết bị bay không người lái phục vụ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật...
Bên cạnh đó ngành Nông nghiệp tỉnh còn cấp mã tài khoản cho 83 cơ sở, hơn 800 sản phẩm được cấp mã quản lý truy xuất nguồn gốc, 348 mô hình với diện tích 3.500ha được đánh giá, chứng nhận, mở rộng phương thức nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGap… Nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương trong tỉnh được đưa lên các nền tảng số, giúp nông sản tiêu thụ dễ dàng và vẫn giữ được giá. Ðến nay, hàng trăm sản phẩm nông sản của Hưng Yên được bày bán trên các sàn thương mại điện tử; hàng nghìn hộ sản xuất có tài khoản trên sàn thương mại điện tử và được đào tạo kỹ năng số...
Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước có đủ dữ liệu, số liệu cập nhật để hoạch định chiến lược cảnh báo, dự báo, chính sách quản lý, hoạch định vùng sản xuất... Hệ thống dữ liệu số trong nông nghiệp sẽ giúp kết nối giữa bên mua và bên bán, mở rộng thị trường đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thông tin khách quan, cập nhật đầy đủ để hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh.
Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2024 đó là phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14.335,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 2,0%. Năng suất lúa bình quân đạt 62,0 tạ/ha/vụ; Tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao đạt 69-70%; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam là 98%; 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 30% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Với nỗ lực thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp gắn ứng dụng khoa học công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi số, tỉnh Hưng Yên đã và đang từng bước nâng cao năng suất, chất lượng ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế, cuộc sống cho người dân địa phương.
Lê Dương
Bình luận