Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ ba, 04/04/2023 12:04
TMO - Lưu vực sông Cửu Long giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương thuộc vùng này. Do vậy, việc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm, thất thoát nguồn nước tại lưu vực sông Cửu Long được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng. Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường lưu vực sông là yêu cầu cấp thiết.
Lưu vực sông Cửu Long có tổng diện tích tự nhiên khoảng 39.945 km2 , bao gồm: 13 tỉnh, thành phố: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Lưu vực sông Cửu Long có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với tiềm năng nông nghiệp lớn, trong nhiều năm qua, lưu vực sông Cửu Long luôn đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa gạo, 70% lượng trái cây của cả nước, và đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Nguồn nước lưu vực sông Cửu Long được đánh giá là dồi dào với tổng lượng tài nguyên nước hàng năm khoảng 474 tỷ m3 , trong đó lượng nước nội sinh từ mưa trên lưu vực sông Cửu Long khoảng 30 tỷ m3 và lượng nước từ thượng lưu chảy về lưu vực sông Cửu Long khoảng 441 tỷ m3 . Hiện nay, lưu vực sông Cửu Long đã và đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là các tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, hạn hán, gia tăng xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất, các tác động do khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở thượng lưu Mekong…Trước thực trạng này, việc rà soát để nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quy hoạch lưu vực sông Cửu Long được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước tại khu vực này.
Mạng lưới quan trắc môi trường lưu vực sông Cửu Long giữ vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm, thất thoát, bảo đảm an ninh nguồn nước tại vùng (Ảnh minh họa: HV).
Hiện nay, toàn bộ lưu vực sông Cửu Long có 141 trạm quan trắc thủy văn tài nguyên nước nước mặt, 53 trạm đo mặn hiện còn hoạt động. Trên lưu vực sông Cửu Long hiện nay có 63 điểm 274 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất, trong đó có 57 điểm 245 công trình đang được vận hành và 9 điểm 29 công trình được xây dựng thuộc giai đoạn 2 của Tiểu dự án 2 “Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu” thuộc Dự án: Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vùng đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị đi vào vận hành.
Theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 90/20016/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch mạng quan trắc quốc gia, mạng lưới quan trắc liên quan đến tài nguyên nước. Trong giai đoạn quy hoạch, lưu vực sông Cửu Long được bổ sung thêm 16 trạm quan trắc nước mặt, 10 trạm đo mặn Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có cùng kỳ quy hoạch với Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 do đó việc xây dựng hoàn thiện mạng quan trắc theo Quyết định số 432/QĐ-TTg cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ giám sát tài nguyên nước dưới đất trên lưu vực.
Trong khuôn khổ giai đoạn 2 của Tiểu dự án 2 “Nâng cấp, xây dựng mạng quan trắc nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu” thuộc Dự án: Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng thêm 6 điểm với 31 công trình (trong đó có 2 công trình làm lại, 29 công trình xây mới). Như vậy, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được xây dựng hoàn thiện theo Quyết định 432/QĐ-TTg (phạm vi đất liền, không tính các điểm trên đảo Phú Quốc). Không chỉ đầu tư về xây dựng công trình, mạng quan trắc cũng đã được nâng cấp trang thiết bị với 100% công trình quan trắc bằng phương pháp tự động theo thời gian thực và truyền dữ liệu quan trắc trực tiếp về trung tâm quản lý, điều hành.
Trên cơ sở phân đoạn sông, vị trí xác định dòng chảy tối thiểu, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước trên từng nguồn nước trong kỳ quy hoạch và mạng quan trắc tài nguyên nước đã được phê duyệt theo Quyết định 432/QĐ- TTg ngày 24/3/2021, trong khuôn khổ quy hoạch này đề xuất thực hiện giám sát việc thực hiện quy hoạch tại 124 vị trí, trong đó bao gồm 118 vị trí đối với nước mặt và 6 vị trí (bảo vệ miền cấp) đối với nước dưới đất.
Mạng giám sát khai thác, sử dụng nước lưu vực sông Cửu Long để triển khai có hiệu quả cần đáp ứng các yêu cầu như: Phải bảo đảm khả năng giám sát toàn diện đối tượng sử dụng nước; Vị trí giám sát phải khống chế được số lượng và chất lượng nước ra, vào giữa hai tỉnh, làm cơ sở cho việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tài nguyên nước giữa 2 tỉnh; Vị trí giám sát phải thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng trạm/vị trí và công việc giám sát; Mạng giám sát khai thác, sử dụng nước phải kết hợp với các mạng giám sát tài nguyên và môi trường.
Các vị trí giám sát phải bảo đảm kết hợp tối đa các nhiệm vụ như giám sát số lượng nước, chất lượng nước, khai thác sử dụng; Mạng giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê tại Quyết định 432/QĐ- TTg ngày 24/3/2021; Các vị trí giám sát phải bảo đảm giám sát được lượng nước chảy vào, tại ranh giới các tỉnh và ranh giới quốc gia.
Thùy Minh
Bình luận