Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ ba, 06/06/2023 07:06
TMO - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk phấn đấu xây dựng hoàn thiện 7 mô hình truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực đến năm 2025, trong đó đẩy mạnh việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc đặc biệt là vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như : Rau quả, mật ong, cà phê bột, hạt tiêu, hạt điều, lâm sản…
Hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang ngày càng được Chính phủ, các bộ, ban, ngành quan tâm và ban hành các chính sách hỗ trợ. Theo đó, Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 19/1/2019 (Đề án 100), nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa đã đạt được những kết quả tích cực.
Thực hiện đề án này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 8610/KH-UBND thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG” trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng, áp dụng, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh, nâng cao tính cạnh tranh và giá trị cho nông sản địa phương.
Trong năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT hỗ trợ 10 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có dán tem QR code và cấp gần 100.000 tem xác thực truy xuất nguồn gốc. Với phần mềm truy xuất nguồn gốc và tem QR code được cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kho dữ liệu, cập nhật thông tin về nguồn gốc hàng hóa lên hệ thống và dán mã QR lên sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường.
Tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh (Ảnh minh họa).
Để đưa hoạt động truy xuất nguồn gốc ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, an toàn cho sản phẩm, hàng hóa của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 7 mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm như: rau quả, mật ong, cà phê bột, hạt tiêu, hạt điều, lâm sản…; trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nông lâm sản chủ lực và các sản phẩm, hàng hóa OCOP của tỉnh.
Bên cạnh đó, bảo đảm tối thiểu 25% doanh nghiệp của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế; xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia...
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, trong thời gian tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện truy xuất nguồn gốc trên thực tế nhu cầu của doanh nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dụng niềm tin với người tiêu dùng.
Sở KH&CN tập huấn phát triển giải pháp và dịch vụ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế khắc phục lỗi: Dữ liệu truy xuất nguồn gốc phân tán do chưa kết nối, chia sẻ giữa các bộ ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp; thông tin truy xuất nguồn gốc không đáp ứng “các nguyên tắc truy xuất nguồn gốc”; không đủ các bên tham gia chuỗi cung ứng; không đủ phần tử dữ liệu chính; thông tin không chính xác; người dùng có thể phải cài đặt cùng lúc nhiều phần mềm do đơn vị cung cấp giải pháp chỉ cho phép dùng phần mềm nội bộ truy cập được thông tin.
Thực tế, việc số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm góp phần mang lại nhiều giá trị. Theo các chuyên gia, công tác này giúp minh bạch thông tin, giúp hội nhập dễ dàng hơn thông qua việc ứng dụng công cụ số hiện đại, tích hợp các nền tảng giúp chuỗi cung ứng liên kết dễ dàng, đa dạng hình thức (ảnh, video, định vị, bảng biểu báo cáo tự động,…). Bên cạnh đó, giúp quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp nhờ có nhiều công cụ hỗ trợ tích hợp việc truy xuất nguồn gốc, tạo thành trang web quảng bá sản phẩm.
Đặc biệt, giúp tiết giảm chi phí do ứng dụng số hóa cho phép làm mọi việc trên điện thoại thông minh, mọi lúc, mọi nơi, giảm đáng kể chi phí, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm. hiện nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Bộ NN&PTNT đang được cài đặt và vận hành chính thức tại Bộ tại địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn/.
Hệ thống đã xây dựng được 3 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc; hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về truy xuất nguồn gốc dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm.Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm...
Mai Hương
.
Bình luận