Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ năm, 02/05/2024 08:05
TMO - Thời gian qua, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang được các tổ chức, cá nhân tại tỉnh Hoà Bình đẩy mạnh áp dụng, mang lại hiệu quả tốt, tăng thu nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với diện tích đất tự nhiên lớn, lại nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, Hoà Bình có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại sản phẩm nông nghiệp. Là địa phương có nhiều nông sản chủ lực như cam, quýt, bưởi, lợn bản địa, gà, cá sông Đà… Bên cạnh đó, địa phương cũng có trên 10 nghìn ha cây ăn quả có múi, diện tích thu hoạch trên 8 nghìn ha. Đến nay, đã chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ cho hơn 3.520 ha sản phẩm quả các loại, hơn 560 ha rau các loại; chứng nhận cho gần 1.950 lồng cá, hơn 20 cơ sở chăn nuôi…
Bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã tiến hành định vị những lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng lớn. Để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông sản, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, tỉnh Hoà Bình đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ nông dân, đặc biệt là triển khai kỹ năng bán hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân.
Tính riêng tại huyện miền núi Cao Phong, niên vụ 2021 - 2022, để mở rộng kênh tiêu thụ cam, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công Thương ký cam kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử Posmart.vn và Voso.vn. Qua đó, mở thêm cơ hội cho nông dân giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng cả nước. Theo số liệu thống kê, đã có 23 tấn cam Cao Phong được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và 17,5 tấn tiêu thụ tại sàn Voso.vn.
Hay tại huyện Lạc Thủy, để thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh, huyện Lạc Thuỷ đã phối hợp với các đơn vị liên quan, phòng NN&PTNT, kết nối với sàn thương mại điện tử Postmart.vn để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản. Qua đó đã hỗ trợ được 90 hộ sản xuất nông nghiệp liên kết đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn; hỗ trợ 19 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại khác. Đồng thời hỗ trợ các đơn vị, HTX, hộ sản xuất trong liên kết tiêu thụ sản phẩm tới các siêu thị và các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó còn hỗ trợ nông dân triển khai bán hàng nông sản, thực phẩm an toàn qua hình thức trực tuyến (livestream).
Nhiều sản phẩm nông sản tỉnh Hoà Bình được kết nối, giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.
Trong 5 năm, nhờ tham gia các hội chợ, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, gần 1.300 tấn nông sản cho bà con nông dân đã được tiêu thụ. 10 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố đi vào hoạt động, trở thành điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, liên kết sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, để sản phẩm nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, Hội nông dân tỉnh Hoà bình còn triển khai hỗ trợ nông dân trong tỉnh sử dụng 750.000 tem truy xuất thông tin và 5.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Thông tin từ ban lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình, trong thời gian qua, các cấp Hội đã hướng dẫn hàng nghìn hội viên, nông dân cách thức tạo tài khoản, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn TMĐT; trên 2.970 sản phẩm nông sản đã được đưa lên sàn Postmart.vn; 284 sản phẩm được bán trên sàn Voso.vn.
Về sản phẩm OCOP, tính đến hết năm 2023 tỉnh Hòa Bình đã có 47 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp huyện đánh giá, phân hạng đạt sản phẩm OCOP đạt từ ba sao trở lên. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình xác định ưu tiên công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu-tiêu thụ sản phẩm OCOP. Các địa phương cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ đưa sản phẩm vào các hệ thống sàn thương mại điện tử như: Sendo.vn, Lazada.vn, Shopee.vn…
Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm xúc tiến thương mại - Bộ NN&PTNT lựa chọn các sản phẩm đạt từ bốn sao trở lên có đủ điều kiện xúc tiến thương mại trên hệ thống các sàn thương mại điện tử (chợ phiên OCOP trên nền tảng TikTok), kênh bán lẻ quốc tế tại các thị trường nước ngoài.
Kết nối đầu ra cho nông sản lên sàn thương mại điện tử là giải pháp để tiêu thụ nông sản, đem lại giá trị cao không chỉ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới. Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp cụ thể, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử được ngành nông nghiệp tỉnh Hoà Bình xem là giải pháp tối ưu tạo ra những kênh phân phối mới, hiện đại; đồng thời định vị đúng giá trị thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Quang Anh
Bình luận