Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 11:11
Thứ tư, 08/05/2024 08:05
TMO - Tỉnh Bắc Giang hướng tới mục tiêu duy trì và nâng cao Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) một cách bền vững, góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo định hướng xanh, trong đó chú trọng triển khai các chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường.
Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) là một công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới. Chỉ số PGI gồm 4 chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2022, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố cả nước với tổng số điểm 16,43. Để tiếp tục duy trì và nâng cao Chỉ số PGI, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các Sở, ngành chức năng, địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, địa phương này nỗ lực duy trì và nâng cao Chỉ số PGI của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2025 nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số PGI dẫn đầu cả nước; phấn đấu cải thiện số điểm của các chỉ số thành phần, cụ thể như sau: Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) (cho doanh nghiệp): Phấn đấu từ điểm số từ 3,45 (thứ hạng 32) lên 3,95 điểm trở lên (điểm hạng thứ 15).
Trong đó với chỉ số đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu: Tiếp tục duy trì đạt từ 6,01 điểm trở lên (tỉnh Bắc Giang đang hạng thứ 4). Chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh: Phấn đấu điểm số từ 4,47 (thứ hạng 16) lên 4,68 điểm trở lên (điểm hạng thứ 10). Chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường: Tiếp tục duy trì đạt từ 2,49 điểm trở lên (tỉnh Bắc Giang đang hạng thứ 2).
Với chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) và ứng phó với những tác động của BĐKH. Triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu theo quy hoạch qua đó giảm thiểu, giảm nhẹ tác động tiêu cực của thiên tai đối với doanh nghiệp. Chủ động các phương án ứng phó với thiên tai và BĐKH, tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; kịp thời khắc phục hậu quả sau thiên tai, giảm mức thấp ảnh hưởng đến đời sống nhân và hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động, đầu tư mới phải đầu tư, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh yêu cầu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động, đầu tư mới phải đầu tư, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. 100% khu công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Mục tiêu phấn đấu tỷ lệ các cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường đến năm 2025 đạt 70% (trong đó mục tiêu năm 2023 đạt 62,9%, năm 2024 đạt 65%). Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục; 100% các cơ sở có nguồn thải (khí thải, nước thải) lớn lắp đặt và kết nối dữ liệu quan trắc môi trường tự động nước thải, khí thải về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát trực tiếp theo quy định của pháp luật.
Việc đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu được thực hiện thông qua triển khai xây dựng các phương án phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh, cấp huyện. Đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố Bắc Giang và các đô thị loại IV trở lên đến năm 2025 đạt 55% (trong đó mục tiêu năm 2023 đạt 45%, năm 2024 đạt 50%).
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/02/2020, Kết luận số 99- KL/TU ngày 18/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý rác thải ra môi trường. Mục tiêu phấn đấu tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn đến năm 2025 đạt 95% (trong đó mục tiêu năm 2023 đạt 93,5%, năm 2024 đạt 94%). Duy trì tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3 /ngày trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt 100%. Xây dựng và thực hiện đề án thu gom, xử lý rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hình thức mới, hiệu quả cao hơn, đảm bảo công tác chăm sóc nhà đầu tư tại chỗ và tạo điều kiện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước qua đó giúp các doanh nghiệp nắm bắt, tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn trong bảo vệ môi trường. Tiếp tục rà soát, đề xuất triển khai chính sách khuyến công, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong quá trình chuyển đổi xanh. Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng; tăng cường, khuyến khích các ngành ít sử dụng năng lượng.
Bắc Giang triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất.
Đối với chỉ số thúc đẩy thực hành xanh, Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tăng cường các hoạt động mua sắm xanh đối với dự án đầu tư, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mua sắm xanh, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.
Hàng năm tổ chức ít nhất 1-2 lần/năm hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp thông qua nhiều kênh giao tiếp nhằm lắng nghe ý kiến phản ánh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo trong thực thi chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là trồng rừng đầu nguồn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: Để cải thiện, duy trì chỉ số PGI của tỉnh, Sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành nhiều văn bản hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm môi trường, BĐKH, ứng phó với BĐKH, thực hiện lối sống xanh...
Đặc biệt, đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp ở một số lĩnh vực như: Quản lý chất thải, chất lượng không khí, quản lý tài nguyên nước, đất đai và đa dạng sinh học; tham mưu thành lập các tổ công tác liên ngành tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về môi trường; tích cực tuyên truyền vận động doanh nghiệp, người dân, cơ quan, đơn vị tăng cường tiêu dùng, mua sắm xanh. Chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng các phương án chủ động phòng ngừa sự cố môi trường...
Góp phần cải thiện, nâng hạng chỉ số PGI, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường áp dụng công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải các-bon thấp trong sản xuất. Qua rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy cơ bản các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, phát thải các-bon thấp trong sản xuất.
Theo kế hoạch tỉnh đề ra, đến năm 2030, 100% các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, đến nay, 100% khu công nghiệp và khoảng 63% cụm công nghiệp của tỉnh đi vào hoạt động đã có hệ thống này. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 28 doanh nghiệp, cơ sở phát sinh nguồn thải lớn cũng đã lắp đặt được trạm quan trắc tự động và truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường với tổng số 65 trạm quan trắc khí thải, nước thải tự động.
Toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh ở các địa phương. Trong đó, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung lớn là Nhà máy Xử lý triệt để rác thải sinh hoạt bằng công nghệ TTD-01 tại xã Kiên Thành (Lục Ngạn) đã đi vào hoạt động, vận hành ổn định, mỗi ngày xử lý từ 50-60 tấn rác, góp phần tăng tỷ lệ thu gom xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư vào triển khai thực hiện dự án Nhà máy Xử lý rác và phát điện Bắc Giang với công suất xử lý 750 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, công suất phát điện khoảng 12 MW; dự án xây dựng Nhà máy Xử lý chất thải rắn, địa điểm thực hiện dự án tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) công suất thiết kế xử lý chất thải rắn 650 tấn/ngày... Theo đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt gần 86%; trong đó tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt gần 98% và được xử lý bảo đảm quy chuẩn đạt hơn 99% (mục tiêu tỉnh đề ra đạt 95% vào năm 2030).
Được biết, để đạt mục tiêu đề ra về chỉ số PGI đến năm 2025, bên cạnh thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, thực hiện lối sống xanh... hiện tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành sản xuất xanh mới, hạn chế phát triển các ngành phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái gắn với thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp; ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bền vững. Hiện tỉnh đang định hướng thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, công nghiệp sinh thái để hình thành “Hệ sinh thái công nghiệp”.
Quan tâm huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư xanh như thu hút các dự án sử dụng tiết kiệm đất đai, tiêu tốn ít hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tăng cường ứng dụng các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ sạch hay các chuỗi cung ứng xanh... Cùng đó, tỉnh cũng quan tâm tăng kinh phí hoạt động cho các cơ quan quản lý môi trường, cải thiện trang thiết bị, tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường và đối phó với BĐKH.
Đức Dũng
Bình luận