Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Chủ nhật, 28/04/2024 07:04
TMO - Nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây tiêu. Nhờ đó đã tạo ra những sản phẩm tiêu chất lượng, đem lại lợi nhuận cho người dân và giảm sức lao động, chi phí chăm bón…
Phú Giáo là huyện nông nghiệp, với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Những năm gần đây, trong xu thế phát triển chung, kinh tế nông nghiệp Phú Giáo đang chuyển mình sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn.
Trong năm 2023; Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo đã triển khai thực hiện đạt một số kết quả tích cực. Về Nông nghiệp giá trị sản xuất nông nghiệp thực hiện năm 2023 đạt 5.816 tỷ đồng, tăng 6,68% so cùng kỳ. Đã hình thành 704 hộ/cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; với tổng diện tích trên 1.200 ha, tăng 337 cơ sở/ hộ. Có 107 cơ sở sản xuất nông nghiệp có giấy chứng nhận VietGAP…Các xã trên địa bàn huyện đều tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
Tại xã An Bình, nhờ có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cùng với chính sách phát triển của địa phương, xã An Bình đã trồng được nhiều loại cây trái có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, sầu riêng, trong đó không thể không kể đến danh tiếng của những vườn tiêu. Trong khi diện tích tiêu trên địa bàn huyện ngày càng thu hẹp lại, các vườn tiêu ở An Bình chính là sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Xã An Bình được coi là vựa tiêu lớn nhất huyện, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào quá trình trồng và chăm sóc cây tiêu, đã mang lại chất lượng và sản lượng tiêu đột phá cho bà con nông dân. Đơn cử trên diện tích trồng tiêu khoảng 5.000m2 của hộ nông dân trên địa bàn xã An Bình, mỗi một mùa vụ cho sản lượng trung bình từ 12-13 tấn tiêu.
Theo nhận định từ người dân trồng tiêu, để có được vườn tiêu khỏe mạnh, năng suất cao là nhờ ứng dụng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất. Trồng tiêu muốn đạt hiệu quả, ngoài khâu chọn giống tốt, ươm giống mạnh khỏe phải biết làm đất, thoát nước... Cây tiêu rất khó trồng, điều kiện thời tiết cần phù hợp, không được quá nắng hay mưa nhiều, vì thế nên vùng đất trồng tiêu cũng không được quá thấp hay quá cao. Bên cạnh đó để tiêu phát triển tốt thì mật độ trồng cũng cần phù hợp.
Thông tin từ nhiều hộ nông dân trồng tiêu trên địa bàn xã An Bình, nhờ ứng dụng KHKT vào quá trình trồng tiêu, cây tiêu đã khoẻ và ít bị bệnh, cho sản lượng tốt. Trong khi đó trước đây khi trồng và chăm sóc theo hướng truyền thống, tiêu cây chết rất nhiều.
Ứng dụng KHKT giúp nâng cao sản lượng, chất lượng tiêu thành phẩm, giảm nguồn bệnh gây hại cho cây tiêu. Ảnh: ĐT.
Người dân xã An Bình cho biết, cây tiêu có một ưu điểm đó là chiếm diện tích đất ít nhưng thu hoạch rất cao. Một sào tiêu trồng được tới 240 nọc tiêu, chăm sóc tốt 1ha thu được cả tấn tiêu. Vì vậy trồng tiêu rất phù hợp với nông dân ít đất, nếu nhiều đất thì sản lượng thu về vô cùng lớn. Thời điểm tiêu đang ở đỉnh cao, giá cả vượt trội nhiều nông dân thu về vài tỷ đồng/năm. Hiện nay, nhờ ứng dụng KHKT nên năng suất tiêu ngày càng cao, bảo quản được lâu hơn, mang lại hiệu quả cho người trồng.
Việc áp dụng KHKT vào sản xuất tiêu giúp người nông dân thêm an tâm, bớt lo lắng mất mùa. Được biết, hiện nay hộ nông dân trồng tiêu trên địa bàn xã An Bình hầu hết đều sản xuất theo đúng quy trình VietGAP, ứng dụng hệ thống tưới tự động để chăm sóc vườn, ngoài ra còn có một số hộ gia đình sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt phun sương bằng điều khiển từ xa.
Nhận định nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng KHKT là xu hướng tất yếu, huyện Phú Giáo nói chung và xã An Bình nói riêng đã có những chủ trương, chính sách về nguồn vốn phát triển sản xuất và chăm sóc vườn cây, chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con trồng tiêu. Đồng thời nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, kết nối với các đơn vị thu mua tiêu giúp bà con có đầu ra ổn định hướng đến xây dựng nghề trồng tiêu hiệu quả, bền vững, có năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng KHKT, nâng cao sản lượng, chất lượng cho tiêu thành phẩm, năm 2022 tiêu Phú Giáo đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, góp phần khẳng định uy tín cũng như giá trị của sản phẩm đặc trưng địa phương.
Thông tin từ UBND huyện Phú Giáo, định hướng của huyện là phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng KHKT, công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm thế mạnh, mang thương hiệu địa phương, từ đó nâng cao giá trị nông sản, cải thiện thu nhập của nông dân. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các cấp, các ngành trong huyện Phú Giáo đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.
Việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp trong đó có nghề trồng tiêu không chỉ nâng cao đời sống của người dân, mà còn góp phần đưa nền nông nghiệp huyện Phú Giáo phát triển thêm một bước mới, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn. Đây là định hướng phát triển nông nghiệp đúng đắn của huyện, mang lại nhiều hiệu quả và có sức lan tỏa cao.
Thanh Phương
Bình luận