Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ hai, 30/10/2023 07:10
TMO - Nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm trở lại đây Ninh Bình đã có nhiều chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
Hướng đến nền nông nghiệp sạch và bền vững, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa mang lại lợi ích đối với sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới của thế giới, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều mô hình canh tác hữu cơ đối với một số cây trồng; trong đó, có cây lúa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, từng bước mở hướng nhân rộng.
Huyện Kim Sơn được coi là vựa lúa lớn nhất của tỉnh, với hơn 16.000 ha gieo cấy lúa mỗi năm. Từ những mô hình nhỏ lẻ nay đã trở thành chương trình sản xuất lúa đặc sản, canh tác lúa theo hướng hữu cơ với diện tích hàng nghìn ha mỗi năm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết, giống lúa đặc sản như nếp hạt cau đã được người dân trong huyện gieo cấy từ lâu, song quy mô nhỏ lẻ với hình thức tự phát. Năm 2010, diện tích lúa nếp hạt cau chỉ có khoảng 400 ha.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh mở rộng diện tích canh tác lúa hữu cơ.
Đối với canh tác lúa theo hướng hữu cơ, mô hình xuất hiện đầu tiên là tại xã Xuân Thiện (nay là xã Xuân Chính) với diện tích 10 ha vào năm 2018. Trong các năm tiếp theo, có thêm một số mô hình tại xã Ân Hòa, Lưu Phương, Quang Thiện... nhưng tính chất là gieo cấy thí điểm với quy mô chỉ từ 5-10 ha. Đến năm 2022, sau quá trình tuyên truyền, vận động tích cực các của cấp, các ngành và địa phương, cùng kết quả khả quan của các mô hình thí điểm trước đó, đặc biệt là "động lực" từ các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2025 của HĐND tỉnh với Nghị quyết 32/NQ-HĐND; của HĐND huyện với Nghị quyết 38/NQ-HĐND (nay đã sửa đổi, bổ sung thành Nghị quyết 17/NQ-HĐND), diện tích lúa đặc sản, lúa canh tác theo hướng hữu cơ của huyện Kim Sơn đã tăng lên đáng kể. Từ những mô hình thí điểm nhỏ lẻ đã được nhân rộng, phát triển thành chương trình sản xuất lúa đặc sản, canh tác lúa theo hướng hữu cơ.
Cụ thể, năm 2022, diện tích trồng lúa nếp hạt cau của huyện đạt hơn 2.400 ha, lúa canh tác theo hướng hữu cơ là hơn 560 ha. Đến năm 2023, diện tích lúa đặc sản của huyện Kim Sơn vượt ngưỡng 3.000 ha gieo trồng lúa nếp hạt cau, lúa ST25; gần 1.200 ha lúa các loại được canh tác theo hướng hữu cơ. Ưu điểm của gieo trồng lúa theo hướng hữu cơ là cây lúa chắc, thân khỏe, lá dày, ít bị đổ rạp nên việc thu hoạch thuận lợi, tránh hao hụt về sản lượng. Tháng 6/2023, HĐND huyện Kim Sơn đã quyết định sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 38/NQ-HĐND thành Nghị quyết 17/NQ-HĐND, trong đó tiếp tục tăng mức hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón hữu cơ kể từ vụ Mùa năm 2023.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Mô lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 nhấn mạnh đến mục tiêu "Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và tập trung huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn xóm nông thôn mới kiểu mẫu". Đặc biệt, năm 2022, HĐND huyện Yên Mô đã thông qua Nghị quyết số 04/NQHĐND về việc thông qua Đề án số 04/ĐA-UBND, ngày 14/3/2022 về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022- 2025.
Đến nay, toàn huyện có 313,6 ha diện tích cây trồng thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp; chuyển đổi hơn 900 ha trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia trại; trên 70% diện tích gieo cấy bằng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Năng suất lúa không ngừng tăng lên, bình quân cả năm đạt trên 130 tạ/ha, cao hơn gần 2 lần so với năm 1994. Trong 9 tháng của năm 2023, toàn huyện có 106 ha sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được nông dân lựa chọn bởi vừa tạo ra sản phẩm gạo sạch, thơm ngon, mà còn tác động tích cực đến môi trường. Ảnh: NL.
Những năm trở lại đây, xu hướng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã được nhiều nông dân, HTX trên địa bàn huyện Yên Khánh chọn lựa bởi không chỉ tạo ra sản phẩm gạo sạch, thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn tác động tích cực đến môi trường. Là địa phương có tỷ lệ lúa gieo sạ cao (có thời điểm đạt trên 80%), ngành nông nghiệp huyện Yên Khánh từng gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động người dân ngưng gieo sạ và chuyển đổi sang hình thức cấy máy, cấy tay gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ.
Tuy nhiên, bằng việc triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ như kiên trì tuyên truyền trực tiếp hay lồng ghép ở các hội nghị, phổ biến về hiệu quả sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đem lại, xây dựng các mô hình trình diễn để bà con nông dân có thể so sánh... mà vụ Mùa vừa qua huyện đã vận động bà con tăng diện tích lúa cấy. Cụ thể, trong tổng diện tích 7.684 ha lúa, đã có 3.920 ha lúa cấy (chiếm 51%); trong đó, diện tích cấy bằng máy là 700 ha (chiếm 10%). Huyện cũng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ giống lúa chất lượng cao đạt 97%.
Hiện nay, toàn huyện có khoảng 20 máy cấy lớn và khoảng 200 máy cấy dắt tay. Diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ có liên kết với đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm mở rộng ra hơn một nghìn ha. Khánh Trung là một trong những địa phương dẫn đầu huyện Yên Khánh trong việc chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng đặc sản, hữu cơ, có liên kết bao tiêu sản phẩm.
Diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay tiếp tục được mở rộng lên 75% tổng diện tích gieo cấy. Năm 2023, diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và theo chương trình giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới đạt trên 3.600 ha (trong đó diện tích sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ có liên kết bao tiêu sản phẩm là trên 1.500 ha và trên 2.000 ha diện tích sản xuất theo chương trình giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới).
Để nhân rộng mô hình, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ... từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tỉnh khẩn trương rà soát lại vùng quy hoạch sản xuất lúa theo chuỗi, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của liên kết, tích cực tham gia thực hiện, tạo thành vùng chuyên canh, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Ninh Bình.
Thanh Hương
Bình luận