Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ năm, 13/06/2024 08:06
TMO - Các nền tảng số ra đời thúc đẩy các mô hình kinh doanh trên thương mại điện tử phát triển. Khai thác thế mạnh này, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường chuyển đổi số trong quá trình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, từ đó quảng bá rộng rãi và mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản địa phương.
Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong ngành nông nghiệp giúp thúc đẩy mối quan hệ cung - cầu, tăng cường kết nối giữa người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng, nhờ đó đảm bảo tốt hơn cho đầu ra của nông sản. Sự phát triển của các nền tảng số đã mang lại nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt tạo nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh thành, trên khắp cả nước.
Trước những hiệu quả từ quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử mang lại, tỉnh Quảng Ninh đã khuyến khích người dân, đồng thời có những chỉ đạo, điều hành hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số. Cụ thể, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền công nghệ số, công nghệ thông tin về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân là chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất, trang trại, gia trại.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản; cung cấp thông tin của 9.598 hộ sản xuất nông nghiệp để cập nhật lên sàn giao dịch điện tử...Bên cạnh đó các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng tập huấn, phổ biến các quy định pháp luật, kỹ thuật trồng trọt an toàn cho bà con nông dân. Đến nay, sản lượng ở các vùng trồng trong tỉnh duy trì tương đối ổn định. Toàn tỉnh có 92 cơ sở được chứng nhận VietGAP với diện tích trên 1.000ha.
Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Hội Nông dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) thực hiện mô hình chuẩn hóa mã số vùng trồng vải chín sớm Phương Nam theo tiêu chuẩn/hệ thống OTAS; phối hợp với Hội Nông dân các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Hạ Long triển khai thực hiện mô hình chuẩn hóa dữ liệu mã số vùng trồng quế, hồi, ổi theo tiêu chuẩn/hệ thống OTAS.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh cũng tích cực hỗ trợ quảng bá nông sản của nông dân qua nhiều kênh khác nhau. Tiêu biểu như TP.Uông Bí, năm 2024 là năm đầu tiên địa phương tổ chức livestream quảng bá hình ảnh quả vải chín sớm Phương Nam trên các nền tảng mạng xã hội. Sự kiện nằm trong chương trình Tuần hàng Việt Nam - Uông Bí năm 2024 do Trung tâm Xúc tiến và phát triển Công Thương Quảng Ninh tổ chức tháng 5 vừa qua.
Việc livestream bán sản phẩm vải chín sớm Phương Nam là cách làm mới, thiết thực để tôn vinh loại nông sản địa phương có chất lượng tốt. Các phiên livestream thu hút hàng chục nghìn lượt theo dõi và tương tác, góp phần đưa quả vải chín sớm Phương Nam tiếp cận nhiều và nhanh hơn với người tiêu dùng, mở ra cho bà con vùng vải chín sớm Phương Nam kênh quảng bá, bán hàng mới, bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Thống kê của thành phố, chỉ trong vòng 20 ngày thu hoạch, 100% sản lượng vải chín sớm Phương Nam được tiêu thụ, tổng doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, tăng gần 11 tỷ đồng so với năm 2023.
Hiện vùng vải chín sớm Phương Nam đang trong lộ trình chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng theo chuẩn OTAS với các tiêu chí về lập bản đồ vùng trồng và giám định, kiểm soát chất lượng khắt khe. Đây là bộ quy chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chí để có thể xuất khẩu quả vải chín sớm Phương Nam vào các nước châu Âu...
Cùng với việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử, tiến hành chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương. Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung hỗ trợ nông dân bằng cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Postmart.vn và Voso.vn, trong đó, Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Sendo... tổ chức nhiều buổi giới thiệu, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã cách thức đưa sản phẩm lên sàn, giúp người dân tận dụng sự phát triển của công nghệ số, nhằm mở rộng mô hình cũng như đa dạng loại hình kinh doanh.
Sàn thương mại điện tử sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh.
Việc các sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử đã giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể mua sản phẩm OCOP Quảng Ninh một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu và mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 156 website về TMĐT. Trong đó có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch thương mại điện tử. Tính đến thời điểm hiện tại, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đang giới thiệu hơn 500 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Số lượng khách truy cập trong năm 2023 là khoảng 207.130 lượt truy cập. Số lượng đơn hàng trong năm 2023 là 370 đơn.
Ngoài ra, ngay từ năm 2023, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã sớm xây dựng thương hiệu, bộ nhãn hiệu nhận diện cho quả na. Nhiều vườn na đã áp dụng và được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã vùng trồng. Theo đó, quả na Ðông Triều được cấp mã QR, cấp tem chống hàng giả. Ðây chính là những dữ liệu để đơn vị chức năng và người tiêu dùng tự mình truy xuất được nguồn gốc, nắm được quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch quả na, từ đó yên tâm về chất lượng của quả na.
Với những giải pháp tích cực trong triển khai chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, thông minh, nâng cao giá trị, gia tăng năng suất, chất lượng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho bà con nông dân.
Thanh Tâm
Bình luận