Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 11:11
Thứ sáu, 24/05/2024 07:05
TMO - Cùng với các địa phương trên cả nước, Bến Tre ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, mô hình trồng dưa lưới thuỷ canh trong nhà màng, ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất trên địa bàn huyện Chợ Lách đã cho thấy những hiệu quả kinh tế vượt trội.
Để phát huy thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, đồng thời tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng hướng tới chuyển đổi số toàn diện. Các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhanh chóng được người dân ứng dụng vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng theo phương pháp thủy canh, áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt, chọn cây giống chất lượng, thuê kỹ sư nông nghiệp chăm sóc,... là những cách mà nhiều nhà vườn trồng dưa đang áp dụng để đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
Với đam mê nghiên cứu khoa học, anh Đỗ Văn Ro - Giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp cùng cô Nguyễn Thị Xuân Trang - Giáo viên Trường THCS Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã tìm hiểu, ứng dụng thành công mô hình trồng dưa lưới thuỷ canh ứng dụng chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao.
Ngay từ đầu năm 2023, anh Ro và cô Trang đã quyết định đầu tư nhà màng, hệ thống bồn chứa, ống thủy canh để bắt đầu nghiên cứu trồng dưa lưới thủy canh. Anh Ro cho biết, cây dưa được trồng trong các ống, rễ cây lơ lửng trong khoang chứa dung dịch dinh dưỡng. Dung dịch dinh dưỡng thủy canh phải chứa đầy đủ các nguyên tố cần thiết. Có tất cả 11 loại phân hóa học cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây dưa lưới. Chúng cần được pha hỗn hợp các chất tương thích với nhau.
Trồng dưa lưới thuỷ canh là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả, năng suất cao. Ảnh minh hoạ: HC.
Để dưa lưới phát triển tốt nhất, việc cung cấp dinh dưỡng trong quá trình canh tác phải tuân theo nguyên tắc, tạo môi trường sống cho cây tương tự như môi trường đất. Kỹ thuật quản lý và sử dụng dinh dưỡng rất quan trọng, nếu phân bón không được pha trộn đúng tiêu chuẩn, sẽ gây ra hiện tượng kết tủa, mất dinh dưỡng.
Để pha trộn các loại phân với nhau một cách chính xác, anh Ro đã ứng dụng pha chế dung dịch thủy canh HydroBuddy v1.50 giúp việc pha trộn hàm lượng giữa các loại phân đảm bảo chính xác. Thời gian đầu, sản phẩm dinh dưỡng được tạo ra chưa phù hợp với điều kiện cây trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới. Sau thời gian cải tiến, điều chỉnh tỷ lệ phân bón, anh Ro đã thành công phối trộn dung dịch dinh dưỡng phù hợp với khí hậu và yêu cầu của cây dưa lưới tại vùng Bến Tre.
Bên cạnh đó, trồng dưa lưới bằng phương pháp thủy canh hoàn toàn trong nhà màng còn được tích hợp thêm công nghệ chuyển đổi dữ liệu, để điều khiển sự sinh trưởng phát triển của cây qua điện thoại thông minh có kết nối Internet. Việc áp dụng chuyển đổi công nghệ số đã giúp anh Ro dễ dàng theo dõi, điều chỉnh sự sinh trưởng của cây theo từng giai đoạn chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet. Theo đó, thiết bị sẽ tự động chuyển đổi hàm lượng dinh dưỡng (nồng độ EC), độ pH và nhiệt độ trong nước thành các thông số cụ thể.
Mô hình trồng dưa lưới thuỷ canh sử dụng điện thoại thông minh để theo dõi sự phát triển của cây dưa. Ảnh: KT.
Với diện tích 500m2 trồng 1.500 gốc dưa lưới, mô hình sản xuất của anh Ro và cô Trang thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng mỗi năm nếu giá bán dưa khoảng 40.000 đồng/kg. Mô hình trồng dưa lưới thuỷ canh còn phát huy hiệu quả trong điều kiện hạn hán, thiếu nước. Do dưa được trồng trong môi trường thủy canh, lượng nước được tuần hoàn tái sử dụng, hạn chế thất thoát qua đất, tiết kiệm nước 2 đến 3 lần so với phương pháp truyền thống.
Anh Ro cho biết thêm, việc trồng dưa lưới thủy canh mang lại năng suất cao, có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc tìm kiếm đầu ra cho trái dưa lưới thương phẩm còn gặp nhiều khó khăn do quy mô còn khá nhỏ. Do đó, anh mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân có nhu cầu, từ đó hình thành nên vùng liên kết sản xuất.
Trước những hiệu quả và sự tiến bộ của mô hình trồng dưa lưới thuỷ canh, ngày 4/1/2024, UBND tỉnh Bến Tre đã có quyết định công nhận hiệu quả và phạm vi áp dụng trên địa bàn tỉnh đối với sáng kiến “Quy trình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp” của anh Đỗ Văn Ro và cô Nguyễn Thị Xuân Trang. Quyết định của UBND tỉnh Bến Tre nêu rõ “Sáng kiến tạo sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không gây ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững”.
Ngoài mô hình trồng dưa lưới thuỷ canh, tỉnh Bến Tre còn tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao để hướng tới chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hoá, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện.
Do đó các cơ quan chức năng, các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tại tỉnh Bến Tre đều tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Và anh Nguyễn Văn Ro là một trong những tấm gương điển hình trong chuyển đổi số nông nghiệp hiện đại. Chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả quản lý, giúp các nhà sản xuất, kinh doanh hiểu rõ nhu cầu thị trường, thúc đẩy nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao và phát triển theo hướng bền vững.
Kim Ngọc
Bình luận