Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Chủ nhật, 01/09/2024 13:09
TMO - Ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong các mô hình nuôi tôm công nghệ cao thay thế các phương pháp nuôi tôm truyền thống đã giúp người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Nam Định giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao năng suất và ổn định đời sống kinh tế.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, trong năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt 15.360 ha. Trong đó, diện tích nuôi thả tôm sú là 2.100 ha, tôm thẻ chân trắng là 1.100 ha. Bên cạnh đó sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 134.940 tấn, tăng 5,6% so với năm 2022, bằng 101,5% kế hoạch. Trong đó, nuôi nước ngọt là 67.860 tấn; nuôi nước mặn lợ là 67.080 tấn.
Với lợi thế là địa phương có 72km đường bờ biển, tỉnh Nam Định xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2023 toàn tỉnh có hơn 15.000ha nuôi trồng thủy sản. Để phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững, nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế.
Nam Định hiện có khoảng 150ha nuôi tôm công nghệ cao, khép kín với gần 100 hộ tham gia, cách nuôi này có ưu thế hơn hẳn so với nuôi ngoài trời nhờ việc xử lý nguồn nước, giảm thiểu bất lợi của thời tiết, dịch bệnh. Các ao nuôi thường được tích hợp hệ thống giám sát để theo dõi các thông số của ao nuôi như nhiệt độ, lượng oxy hòa tan hay chất lượng nước giúp người nuôi có thể nắm bắt được điều kiện sống của tôm để có các biện pháp xử lý.
Với khả năng chống chịu bệnh cao, kỹ thuật nuôi đơn gian, thời gian nuôi ngắn cho năng suất hiệu quả kinh tế cao nên tôm sú, tôm thẻ chân trắng đươc người dân Nam Định đặc biệt quan tâm phát triển với mức độ thâm canh ngày càng cao, hình thức nuôi ngày càng đa dạng, trở thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh.
So với phương pháp nuôi tôm theo cách truyền thống, người nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn như môi trường không ổn định, nguồn nước tưới tiêu độ pH cao ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của con tôm, đặc biệt tôm chỉ nuôi được chính vụ nên giá cả và thị trường tiêu thụ cũng gặp nhiều rủi ro. Để giảm thiểu những khó khăn trên, việc ứng dụng công nghệ cao vào quá trình nuôi dưỡng thuỷ sản là điều cần thiết giúp người dân giảm thiểu chi phí, đảm bảo an toàn, hạn chế dịch bệnh cho đàn tôm nuôi.
Người dân tỉnh Nam Định ngày càng chú trọng những mô hình nuôi thuỷ sản công nghệ cao. Tại huyện ven biển Hải Hậu, những năm gần đây nhiều hộ nuôi tôm cũng bắt đầu xây dựng các khu nuôi tôm công nghệ cao, có mái che để nuôi tôm trong vụ đông nhằm khai thác tối đa hiệu quả ao nuôi. Theo Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp trên địa bàn xã Hải Đông (huyện Hải Hậu), nhiều hộ dân trong hợp tác xã đã đầu tư xây dựng ao nuôi theo hướng khép kín, áp dụng khoa học công nghệ để chăn nuôi trái vụ. Sản lượng trung bình của một hecta nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 40 đến 50 tấn, cho doanh thu đem lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao truyền thống.
Nuôi tôm công nghệ cao mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho người dân tỉnh Nam Định. (Ảnh minh hoạ: NH).
Hay tại xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, hộ gia đình anh Trần Văn T. được chính quyền địa phương cho thuê 2,6 ha diện tích mặt nước hoang hóa để cải tạo nuôi trồng thủy sản. với kinh nghiệm sẵn có và quá trình học hỏi từ các hộ dân đã nuôi tôm công nghệ cao trước đó, ao tôm của anh T đã thu về khoảng 400 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó anh T tiếp tục học hỏi thêm cách làm ao nuôi khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm trái vụ để tăng thêm thu nhập.
Được biết, ngay từ năm 2021 anh T đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng các ao nuôi tôm trong nhà kính với diện tích khoảng 700 m2/nhà kính, đến cuối năm 2023 anh đã hoàn thành 13 nhà kính để nuôi tôm với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Sau một thời gian triển khai, các ao nuôi đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giúp người nuôi chủ động được nhiệt độ, kiểm soát môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường tự nhiên, hạn chế dịch bệnh và mật độ con nuôi cũng nhiều hơn. Nuôi tôm theo công nghệ cao trong nhà kính đã giúp anh T nói riêng và nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn tỉnh Nam Định có thu nhập cao hơn hẳn.
Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao khác cũng được người dân đẩy mạnh áp dụng. Một số người dân trên địa bàn xã Giao Phong (huyện Giao Thuỷ) cũng chuyển dần sang đầu tư xây dựng nhà khung thép có mái che để nuôi tôm. Theo chia sẻ của một số hộ nuôi theo mô hình này cho biết, nuôi tôm khép kín giúp môi trường nước trong ao nuôi luôn duy trì ổn định vì vậy có thể nuôi tôm được trong mùa đông.
Nhờ mô hình nuôi khép kín, nên người dân cũng thả tôm với mật độ dày hơn so với cách nuôi trước đây, trung bình 1.000 m2 sẽ nuôi được khoảng 6 tấn tôm, nếu so với phương pháp truyền thống chỉ nuôi được khoảng 2 - 3 tấn. Tôm ít bị bệnh, lớn nhanh khỏe đạt được kích cỡ to từ 28 - 30 con/kg. Nhờ hướng đi đúng đắn, nuôi tôm công nghệ cao đã cho người dân thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thông tin từ Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định cho rằng, mô hình nuôi tôm theo hướng khép kín đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt giúp người nuôi thuỷ sản tại các huyện ven biển có thu nhập cao. Tuy vậy, nuôi tôm trái vụ cũng thường gặp nhiều rủi ro nên người nuôi cần lưu ý trong quá trình thả giống cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu điều kiện thời tiết quá bất lợi hoặc quá xấu thì nên tạm ngưng việc thả giống; đồng thời, cần tăng cường sục khí ao nuôi và bổ sung thêm Vitamin C vào khẩu phần ăn để giúp con nuôi phát triển khoẻ mạnh.
Theo kế hoạch phát triển ngành tôm Nam Định đến năm 2025 diện tích nuôi tôm nước lợ của địa phương này phấn đấu đạt trên 3.500ha, sản lượng tôm nuôi đạt 8.500 đến 9.000 tấn. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng những kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến là điều kiện quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng cho các vùng nuôi. Đây là giải pháp tối ưu để ngành thuỷ sản Nam Định có bước đột phá.
Thuỳ Dương
Bình luận