Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ sáu, 15/12/2023 13:12
TMO - Tỉnh Hậu Giang xác định công tác quản lý, sử dụng, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo quá trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hậu Giang có vị trí nằm trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với sông Hậu, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dầy đặc, có tiềm năng lớn về cung cấp nước ngọt, và vận tải đường thủy. Đồng thời là tỉnh cuối vùng lũ, ảnh hưởng của thủy triều không tác động trực tiếp, Hậu Giang có các điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển giao thông thủy, phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 4 tuyến sông lớn gồm sông Hậu (đoạn chảy qua tỉnh với chiều dài 8 km), sông Cái Lớn (đoạn qua tỉnh với chiều dài 57 km), sông Cái Tư (đoạn qua tỉnh với chiều dài 15 km) và sông Nước Trong (đoạn qua tỉnh với chiều dài 16 km) cùng với hệ thống các kênh, rạch khá dày đặc.
Sông Hậu giáp ranh phía Đông Bắc của tỉnh Hậu Giang và tỉnh Vĩnh Long, lưu lượng mùa lũ của sông Hậu từ 16.000 đến 18.000 m3/s; vào các tháng kiệt nhất còn khoảng 800 đến 1.000 m3/s. Sông Cái Lớn có các rạch lớn nhận nước tiêu thuộc đất của tỉnh Hậu Giang, là các trục tiêu quan trọng trong mùa mưa lũ. Nguồn ngọt của sông Cái Lớn trong mùa khô phụ thuộc vào lượng nước từ các kênh trục nối từ sông Hậu đổ về. Đây là nguồn nước ngọt quan trọng tham gia vào quá trình đẩy mặn trên sông Cái Lớn. Tỉnh Hậu Giang có 7 tầng chứa nước với chất lượng mặn nhạt đan xen, vùng nước nhạt đáp ứng tốt cho sinh hoạt và sản xuất. Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất của tỉnh khoảng 2,8 triệu m3 /ngày.
Tuy nhiên, địa hình của Hậu Giang bằng phẳng nhưng thấp, bị cắt bởi hệ thống kênh rạch, sông ngòi, nền đất yếu; tình trạng ngập lũ, úng, xâm nhập mặn trong những năm gần đây diễn biến khá phức tạp, đã gây nhiều bất lợi cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Mặc dù hệ thống kênh rạch tương đối hoàn chỉnh, nhưng đa phần được đầu tư khá lâu, đến nay hầu hết các kênh, rạch cần phải nạo vét lại, đặc biệt là các rạch tự nhiên. Biến đổi khí hậu xảy đã và đang diễn ra, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, ngập úng, tình trạng sạt lở bờ sông rạch, đã và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước.
Địa hình có cao độ thấp, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tác động biến đổi khí hậu. Tình trạng ngập lũ, tiêu thoát nước kém vào mùa mưa và xâm nhập mặn vào mùa khô ảnh hưởng đến đời sống và phát triển nông nghiệp. Theo kịch bản biến đổi khí hậu phiên bản cập nhật năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng 100m khoảng 60,85% diện tích của tỉnh Hậu Giang có nguy cơ bị ngập, trong đó huyện Long Mỹ (87,65% diện tích), huyện Vị Thủy (83,83% diện tích) có nguy cơ ngập cao nhất.
Tỉnh Hậu Giang đảm bảo phân bổ tài nguyên nước phải phù hợp với tiềm năng nguồn nước, đảm bảo hài hòa, hợp lý.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tỉnh Hậu Giang coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, gắn kết hiện trạng, định hướng sử dụng tài nguyên nước với các tài nguyên khác trong phát triển kinh tế xã hội của các ngành, lĩnh vực có khai thác, sử dụng nước. Tài nguyên nước được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng, chất lượng, giữa nước mặt với nước dưới đất, giữa các lưu vực sông. Việc phân bổ tài nguyên nước phải phù hợp với tiềm năng nguồn nước, đảm bảo hài hòa, hợp lý, trong ngưỡng giới hạn cho phép và có xem xét đến khả năng khai thác nguồn nước dưới đất bổ sung trong các trường hợp hạn hán, thiếu nước.
Địa phương này ưu tiên khai thác nguồn nước dưới đất có chất lượng tốt cho sinh hoạt và phát triển sản xuất các ngành nghề ít tiêu tốn nước và sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Qua đó, bảo đảm nguồn nước cho các ưu tiên phát triển mang tính chiến lược của tỉnh, ổn định an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả việc quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh. Bảo vệ tính toàn vẹn của tài nguyên nước, đảm bảo chất lượng nước phục vụ cho các mục đích sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp; bảo vệ các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, các chức năng quan trọng của nguồn nước và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nhằm đảm bảo an ninh lâu dài về tài nguyên nước.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện nhiều dự án, nhiệm vụ về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000; quy hoạch phân bổ nước dưới đất; phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và danh mục hồ, ao đầm không được trám lấp.
Cũng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng đã phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt cho các công trình khai thác nước và vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; đồng thời, đầu tư, nâng cấp mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt, diễn biến nguồn nước dưới đất; xây dựng hồ chứa nước ngọt và các giếng khoan dự phòng để phục vụ cấp nước sinh hoạt và phòng ngừa xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước.
Địa phương này đã tập trung triển khai điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với một số nhiệm vụ quan trọng như: cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên các sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt; xác định các đặc trưng cơ bản, đánh giá diễn biến, lập bản đồ tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và theo dự kiến đến cuối năm 2023 tỉnh Hậu Giang sẽ triển khai thực hiện thêm nhiệm vụ điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên sông, kênh rạch chính trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, theo tính toán nhu cầu nước cho các ngành, xác định được tổng nhu cầu nước của tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn hiện nay khoảng gần 2,333 tỷ m3 , dự báo đến năm 2030 nhu cầu nước đạt khoảng hơn 2,42 tỷ m3. Trong cơ cấu dùng nước thì nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các đối tượng có nhu cầu sử dụng nước.
Ở thời điểm hiện tại thì tổng lượng nước dùng cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lên tới 1,015 tỷ m3 đối với ngành công nghiệp khoảng 55,89 triệu m3 và 1,23 tỷ m3 đối với ngày thủy sản, chiếm phần lớn trong tổng nhu cầu nước của cả tỉnh. Trong đó, đặc biệt nước sử dụng trong thuỷ sản nước ngọt cũng chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên lượng nước này không mất đi (trừ phần thất thoát do ngấm, bốc hơi..) thì phần lớn trả lại môi trường tự nhiên. Vấn đề quan tâm nhất với nguồn nước này là ô nhiễm hữu cơ do thức ăn còn dư thừa trong nước.
Đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng được địa phương này đẩy mạnh triển khai. Ảnh: AL.
Quy hoạch tỉnh nhấn mạnh đến nhiệm vụ phân bố nguồn nước đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, đảm bảo ưu tiên thứ nhất cho cấp nước sinh hoạt, kế đến lần lượt là sản xuất công nghiệp có giá trị cao, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ - du lịch… hạn chế thấp nhất những xung đột giữa các tố chức, cá nhân sử dụng nước. Việc phân bổ tài nguyên nước phải đảm bảo tính bền vững, dựa trên cơ sở kết quả đánh giá tương quan giữa nhu cầu khai thác, sử dụng và khả năng đáp ứng của nguồn nước mặt.
Trong điều kiện bình thường: Đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên các sông. Cần phát huy và hạn chế và giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước mặt. Trong điều kiện khô hạn, thiếu nước xảy ra: Đảm bảo đủ 100% nhu cầu sử dụng nước. Ưu tiên cho cho mục đích sinh hoạt, sau đó đến nhu cầu dùng nước cho các dịch vụ - y tế, còn lại phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp, nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông. Cần phát huy và hạn chế và giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước mặt.
Nguồn nước chủ yếu của tỉnh Hậu Giang tiếp tục được xác định là nước mặt Sông Hậu thông qua các nhánh: Sông Ô Môn, kênh KH9, Kênh Xà No, Rạch Mái Dầm, Kênh Cái Côn, Rạch Cái Cui, Rạch Cái Dầu… Là khu vực chịu ảnh hưởng của thủy triều nên khi triều lên, tại khu vực phía Nam tỉnh cần chú ý kiểm tra chất lượng nước (độ mặn) để có kế hoạch lấy nước cho phù hợp, giảm thiểu thiệt hại do sử dụng nước bị nhiễn mặn. Nguồn nước mặt phong phú, trữ lượng lớn, có chất lượng tương đối tốt, không bị nhiễm mặn, như đã đánh giá trong phần hiện trạng, bảo đảm mọi nhu cầu dùng nước cho tỉnh trong các giai đoạn phát triển.
Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh, thời gian tới, để đảm bảo nguồn tài nguyên nước, phục vụ mục tiêu phát triển ngày càng bền vững trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Hậu Giang triển khai đồng bộ, hiệu quả phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước mặt trên các tuyến sông, kênh rạch cũng như nguồn nước dưới đất, đồng thời, chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; tích hợp tài nguyên nước vào trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, dự án về điều tra cơ bản tài nguyên nước; thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát chất lượng nguồn nước mặt, nước dưới đất; quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo giấy phép đã cấp và theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước; tạo lập cơ sở dữ liệu tài nguyên nước; đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nguồn nước và hoạt động khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước để kịp thời nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.
Trần Tuấn
Bình luận