Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 03:01
Thứ bảy, 22/07/2023 06:07
TMO - Việc đẩy mạnh khoa học công nghệ được xem là giải pháp hết sức quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 01 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội. Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn Thành phố.
Tuy nhiên theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở từng khâu, chưa ứng dụng công nghệ cao đồng bộ. Việc ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như quy trình sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình quản lý dịch bệnh trên cây trồng, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học,... cũng chưa đồng bộ. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 1.800 HTX đang hoạt động. Tuy nhiên mới chỉ có hơn 50 HTX được ghi nhận là cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Công nghệ cao chủ yếu mới thực hiện ở một vài khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới,... Còn khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp.
Khoa học công nghệ góp phần tạo sức bật cho ngành nông nghiệp thành phố.
Việc đẩy mạnh khoa học công nghệ được xem là giải pháp hết sức quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp đô thị tại Hà Nội theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Điều này cũng hướng đến cụ thể hóa các mục tiêu của 2 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.
Cụ thể là Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội” trong giai đoạn 2021 - 2025”.
Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Trong đó, các nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản lần lượt chiếm tỷ lệ: 45%, 80% và 60%. Ngoài ra, 50% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian qua thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình là Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn.
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng cần định hướng cụ thể về phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất nhằm tạo ra một cấu trúc cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nông nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để ứng dụng công nghệ cao, nhất là các chính sách về đất đai, quy hoạch phát triển,....
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã được ban hành. Trong đó chú trọng thu hút doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường việc xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp là đầu tàu của chuỗi.
Để có thị trường tiêu thụ cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Thành phố cần hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các trang website quảng bá sản phẩm, tiếp cận thông tin phản hồi của người tiêu dùng, liên kết với trang thông tin điện tử của huyện... để tạo thế cạnh tranh.
Thùy Trang
Bình luận