Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Chủ nhật, 07/05/2023 07:05
TMO - Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, tỉnh Bình Định chú trọng đầu tư hệ thống cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, nâng cao tỷ lệ tiếp cận nước sạch tại khu vực này. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành các công trình trên còn nhiều hạn chế, đòi hỏi các địa phương tập trung khắc phục.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, tính đến hết năm 2022 toàn tỉnh Bình Định hiện có 129 công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn, với tổng công suất thiết kế 46.882 m3 /ngày.đêm, cấp nước cho 105.662 hộ. Trong đó: Có 105 công trình có công suất nhỏ (500 m3 /ngày.đêm), công nghệ xử lý đơn giản (lắng, lọc), được đầu tư từ trước năm 2005, chủ yếu là các công trình cấp nước tự chảy phục vụ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có 24 công trình cấp nước vùng nông thôn có công nghệ xử lý nước hoàn chỉnh, với tổng công suất thực tế hiện nay khoảng 32.245 m3 /ngày.đêm, chủ yếu là các công trình vừa và lớn, có công suất từ 1.000 m3 /ngày trở lên.
Hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 94 công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn với tổng công suất thực tế/thiết kế là 10.043/18.289 hộ, đạt 54,9%. Tỷ lệ người dân tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 12,8%. Trong số 94 công trình, chỉ 2 công trình có công nghệ xử lý nước hoàn chỉnh (lắng, lọc, khử trùng) và đảm bảo chất lượng nước; 92 công trình còn lại cấp nước không đạt chất lượng theo quy định. Các công trình chưa bền vững thường bị thiếu nước vào mùa nắng, chủ yếu là các công trình cấp nước tự chảy ở các huyện miền núi.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành chức năng rà soát, đánh giá hiện trạng, nâng cao hiệu quả của các công trình cấp nước sạch nông thôn. Ảnh: HĐ.
Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định được triển khai nhằm phát huy hiệu quả cao, thúc đẩy công tác cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn ngày càng phát triển. Đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, 65% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; duy trì 100% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi. Đến năm 2045: 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.
Để đạt được mục tiêu trên, Bình Định đẩy mạnh đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch, đề án, kế hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch đảm bảo hoạt động hiệu quả gắn với giám sát quản lý vận hành công trình.
Đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cấp nước cho sinh hoạt. Ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ven biển, hải đảo.
Đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác theo dõi, giám sát chất lượng nước thường xuyên tại các công trình cấp nước đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 đối với lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt nông thôn. Triển khai Kế hoạch cấp nước an toàn ứng phó thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; giám sát và đánh giá thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn; khắc phục thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt và đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn nước sinh hoạt trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Nâng cấp các công trình cấp nước, đảm bảo nguồn nước sạch tại các huyện miền núi là nhiệm vụ quan trọng được quán triệt triển khai. Ảnh: MB.
Ngoài ra, tại kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025 tỉnh Bình Định đã có quyết định đầu tư và phê duyệt kế hoạch cung cấp nước với 17 công trình cấp nước an toàn, hoạt động bền vững, dự kiến cấp nước cho 63.435 hộ dân trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Trong số này, có một số công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn như: công trình cấp nước huyện Phù Cát, cấp nước cho 18.430 hộ; công trình cấp nước sinh hoạt khu Đông Nam thị xã Hoài Nhơn, dự kiến cung cấp nước cho 10.555 hộ; công trình cung cấp nước Phước Sơn (huyện Tuy Phước), dự kiến cấp nước cho hơn 9.300 hộ. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định cũng đôn đốc xây dựng hoàn thành 12 công trình cấp nước sinh hoạt khác đang thực hiện chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa giai đoạn 2021 - 2025, với tổng công suất 51.600m3/ngày đêm, cấp nước cho 66.471 hộ.
Sở NN&PTNT Bình Định đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công trình nước sạch nông thôn trong thời gian tới: Đầu tư công trình nước sạch phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, nguồn nước đầu vào phải đủ quanh năm, công nghệ xử lý nước hoàn chỉnh, chất lượng nước đầu ra phải đạt chất lượng theo quy chuẩn; công trình nước sạch phải đặt đúng nơi người dân có nhu cầu sử dụng nước.
Chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện phải vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân đấu nối nước sạch vào hộ gia đình và sử dụng nước tiết kiệm, không khoán trắng cho đơn vị quản lý vận hành (một số dự án công trình nước sạch khi đưa vào khai thác, vận hành rất ít hộ dân đấu nối hoặc sử dụng nước rất ít). Lựa chọn đơn vị quản lý vận hành công trình cấp nước phải có chuyên môn kỹ thuật, có năng lực quản lý, có trách nhiệm với cộng đồng dân cư trong khu vực.
Giai đoạn 2021- 2025: tiếp tục phát triển 9 dự án cấp nước sạch đã được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công Cấp nước sạch Vân Canh, cấp nước sạch thị trấn Vĩnh Thạnh, cấp nước sạch Cát Tài, cấp nước sạch ven biển Phù Mỹ, cấp nước sạch Tây Phù Mỹ, cấp nước sạch Tây Phù Cát, cấp nước sạch Bắc huyện Tây Sơn, cấp nước sạch Phước Lộc - Phước Hiệp, cấp nước sạch Phước Thành (huyện Tuy Phước).
Ngọc Ánh
Bình luận