Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ hai, 17/06/2024 14:06
TMO - Trước sự gia tăng của chất thải trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, sức khỏe của người dân tại nhiều địa phương, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm từ hoạt động kinh tế này.
Thời gian qua, để tăng cường trách nhiệm của Sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xử lý các chất thải phát sinh trong ngành nông nghiệp; UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời, Sở TN&MT Bình Thuận cũng đã thường xuyên phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường trong kinh doanh phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cho người dân...
Tuy nhiên, tình trạng vứt bỏ chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bóng đèn huỳnh quang thải tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, việc bố trí các bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và việc quản lý, chuyển giao, xử lý đối với loại rác thải này tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; nguồn kinh phí cấp cho các địa phương để quản lý chất thải, trong đó, có hoạt động thu gom, chuyển giao, xử lý chất thải nông nghiệp hàng năm chưa đáp ứng yêu cầu về BVMT đặt ra.
Bình Thuận có tổng diện tích đất nông nghiệp 71.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 357.000 ha, trong đó thanh long - cây trồng chủ lực của tỉnh 26.000 ha. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các hộ dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng, can thiệp kỹ thuật làm tăng năng suất, như chong đèn cho cây thanh long đơm hoa kết quả trái vụ.
Tuy nhiên, nếu thuốc BVTV không được xử lý đúng cách còn sót lại trong các chai, lọ, bao bì sẽ bốc lên mùi hôi nồng nặc, phát tán vào không khí và ngấm sâu vào lòng đất... gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, không khí, thức ăn, là nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm cho con người. Đối với bóng đèn thủy tinh, không được xử lý đúng nơi quy định dễ gây ra sát thương khi bị giẫm đạp dẫn đến nhiễm trùng rất cao. Trong bóng đèn compact tiết kiệm điện chứa một lượng nhỏ thủy ngân, được gắn kín bên trong bóng đèn, nếu bị vỡ sẽ phát tán ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người không may tiếp xúc với nó.
Mô hình "Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp" phát huy hiệu quả trong công tác thu gom rác thải là bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các địa phương. Ảnh: BBT.
Trước thực trạng trên, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai mô hình "Bể thu gom rác thải trong sản xuất nông nghiệp" cho nhiều địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn trên địa bàn tỉnh. Để mô hình được triển khai hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban Quản lý mô hình cấp tỉnh cùng Ban Quản lý mô hình cấp xã phối hợp theo dõi triển khai thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, thành lập các tổ thu gom tại địa bàn xã, thị trấn để tập huấn kỹ thuật thực hiện mô hình, các phương thức bảo quản mô hình, quản lý nguồn rác, thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, hướng dẫn giúp đỡ, hỗ trợ tài liệu, xây dựng mô hình điểm
Tại các địa phương được triển khai mô hình, Ban Quản lý mô hình đã phấn đấu tuyên truyền, vận động cho 100% hộ hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm bảo vệ môi trường; 100% số hộ trong xã biết đổ rác đúng nơi quy định; 100% hộ trong toàn xã tham gia thực hiện quy chế thu gom rác thải, chất thải của mô hình và 100% khu dân cư trên địa bàn có bể chứa rác thải được thu gom và xử lý hợp vệ sinh. Cùng với đó, hội viên nông dân có ý thức bảo vệ môi trường, duy trì phong trào Ngày chủ nhật xanh- sạch- đẹp, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa..
Trong thời gian tới, để quản lý có hiệu quả đối với các bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải bỏ sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp, Sở TN&MT đã có kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Sở TN&MT Bình Thuận có trách nhiệm hướng dẫn việc xử lý bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, Sở TN&MT lồng ghép nội dung yêu cầu về thu gom, chuyển giao, xử lý bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp phải đáp ứng các quy định về BVMT trong quá trình thẩm định, công nhận tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu được giao phụ trách.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận tuyên truyền, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; lồng ghép nội dung yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình đánh giá và cấp Giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận cân đối, bố trí kinh phí cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp theo đúng quy định.
Bình Thuận tập trung phát triển các vùng sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn an toàn, đồng thời đẩy mạnh công tác thu gom rác thải nông nghiệp tại các vùng trồng.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thì tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV, bóng đèn chong thanh long phải thực hiện thu gom vào bể chứa do địa phương bố trí và thực hiện các quy định của pháp luật liên quan, không tự ý đốt, chôn, xả thải ra sông, suối, ao hồ, đường làng…, gây ô nhiễm môi trường; quản lý việc thu gom, chuyển giao, xử lý bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải trong hoạt động nông nghiệp; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.
UBND các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch, dự toán kinh phí cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV, bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp hàng năm để tổ chức thực hiện; chỉ đạo cấp xã triển khai công tác thu gom, chuyển giao, xử lý bóng đèn thải sau sử dụng trong hoạt động nông nghiệp đáp ứng các quy định về BVMT; xem đây là một trong những tiêu chí trong quá trình xem xét, công nhận tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2022-2025, ở lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa; lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa.
Trong giai đoạn 2026 đến năm 2030, mục tiêu hướng tới việc ở lĩnh vực trồng trọt sẽ giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa; lĩnh vực bảo vệ thực vật, giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa, thu gom, phân loại được tối thiểu 100% và tái sử dụng được tối thiểu 20% chất thải nhựa.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 43%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 14.000 ha. Phấn đấu đến năm 2050, Bình Thuận có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Cùng với việc nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bình Thuận hướng đến phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của sản xuất đến chất lượng môi trường. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Bình Thuận ưu tiên tập trung đầu tư, phát triển đối với cây trồng chủ lực, quan trọng của tỉnh. tập trung nâng cao chất lượng, hình thành các vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao, vùng thanh long hữu cơ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Thu Trang
Bình luận