Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ hai, 11/03/2024 08:03
TMO - Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long lựa chọn 3 trong tổng số 20 giống lúa mới để đưa vào sản xuất trong năm 2024. Trong đó lúa chất lượng cao có giống OM3, giống lúa thơm có OM63. Và nhóm giống lúa khác để thay thế giống IR50404 đang bị thoái hóa.
Theo báo cáo của ngành NN&PTNN các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất lúa năm 2023 ước khu vực này gieo sạ khoảng 3,816 triệu ha, tăng 13,18 nghìn ha, năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, sản lượng gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2022. Để đạt được kết quả trên, các cơ quan chuyên môn và địa phương thường xuyên cập nhật tình hình nguồn nước cho sản xuất; khuyến cáo cơ cấu các giống lúa có khả năng chống chịu hạn hán, xâm nhập mặn và hướng dẫn quy trình canh tác lúa phù hợp với điều kiện thời tiết.
Với mục tiêu tiếp tục phát huy những hiệu quả trong quá trình sản xuất lúa, tăng năng suất, tăng khả năng chống chịu hạn mặn và sâu bệnh, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (Bộ NN&PTNT) đã trình diễn, giới thiệu đặc tính của các giống lúa mới (thuộc 4 nhóm giống lúa) trong vụ Đông Xuân 2023-2024 để nông dân tham quan và đánh giá thực tế trên đồng ruộng.
Các giống lúa mới bao gồm nhóm lúa chất lượng cao có giống OM3, giống lúa thơm có giống OM63. Và nhóm giống lúa khác để thay thế giống IR50404 hiện nay đang bị thoái hóa nhiều. Đây là 3 giống lúa tiêu biểu được lựa chọn trong số 20 giống lúa được phân nhóm theo phân khúc của thị trường (giống lúa thơm, giống lúa chất lượng cao, giống cao sản và nhóm các loại giống khác).
Các giống lúa mới tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình canh tác tại vùng ĐBSCL. (Ảnh minh hoạ).
Với những đặc tính vượt trội, các giống lúa mới được đánh giá và lựa chọn sẽ giúp đẩy mạnh phát triển sản xuất, bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng lân cận. 3 giống lúa tiêu biểu OM3, OM63, giống lúa cao sản thay thế giống cũ IR50404 sẽ được đưa vào lưu hành, sản xuất trong năm 2024.
Cụ thể, trong nhóm lúa chất lượng cao, Viện Lúa đã giới thiệu giống OM3. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 98-105 ngày, chiều cao cây khoảng 90-110 cm, khả năng đẻ nhánh khá, dạng hình đẹp; mỗi m2 khoảng 260-340 bông, mỗi bông khoảng 70-90 hạt chắc; năng suất khoảng 6-8 tấn/ha; tỷ lệ gạo nguyên khoảng 54-65%, hạt gạo đẹp, thon dài, cơm mềm, dẻo, ngon và có mùi thơm nhẹ. Giống lúa canh tác được các vụ trong năm và các vùng sinh thái nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với nhóm giống lúa thơm, Viện Lúa giới thiệu giống lúa OM63, giống lúa này hạt dài, mùi thơm rất đậm và được đánh giá rất ngon cơm. Bên cạnh giống OM8 (không thích hợp với vụ Đông Xuân, dễ đổ ngã), kỳ vọng giống OM63 có thể phát triển tốt cho cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu. Riêng nhóm các giống lúa khác, Viện Lúa giới thiệu giống lúa cao sản, năng suất cao để bù cho giống IR50404 hiện nay đang bị thoái hóa nhiều.
Việc tiếp tục lai tạo, chọn thêm những giống lúa mới thay thế cho những giống đã bị thoái hoá là điều cần thiết. Bởi trong điều kiện trồng khoảng 2-3 vụ/năm sản xuất dưới tình trạng sâu bệnh lớn, thâm canh cao làm dòng đời lúa bị rút ngắn. Ngay cả những giống có tính chống chịu tốt tồn tại khoảng 10 năm cũng dần bị thoái hóa.
Được biết trong vụ đông xuân 2023-2024, Viện Lúa ÐBSCL đã phối hợp Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa OM3 tại huyện Cờ Ðỏ, với diện tích 3 ha/mô hình. Trong các vụ lúa hè thu 2024 và các vụ lúa tiếp theo, Viện Lúa sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng giống lúa mới để chuyển giao các kỹ thuật canh tác cho người dân, hướng tới phát triển sản xuất các giống lúa mới trên quy mô lớn hơn.
Với những tín hiệu lạc quan của 3 giống lúa mới mà Viện Lúa đã lai tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, các đơn vị sản xuất lúa gạo có thêm nhiều lựa chọn về loại giống, hạn chế được tình trạng sâu bệnh, mang lại năng suất, sản lượng cao. Đồng thời giúp nông dân chủ động tìm nguồn lúa giống có chất lượng, giá cả phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất trong thời gian về sau.
Bích Hà
Bình luận