Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 13:11
Thứ ba, 18/04/2023 07:04
TMO - Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn tài nguyên nước, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước, một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn 2022-2023 là sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 cho phù hợp với tình hình mới.
Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay. Trên cơ sở các quy định của Luật, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 07/15 quy hoạch về tài nguyên nước, gồm: quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch tổng hợp của 5 lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê san, Srepok, Hồng - Thái Bình, Cửu Long.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện đối với 642 hồ chứa, đập dâng; có 6/63 tỉnh, thành đã ban hành danh mục dòng chảy tối thiểu trên sông suối nội tỉnh theo thẩm quyền. Đồng thời ban hành Danh mục lưu vực sông liên tỉnh, danh mục lưu vực sông nội tỉnh, danh mục nguồn nước liên tỉnh, danh mục nguồn nước liên quốc gia.
Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Một số quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn có sự giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ bổ sung các quy định: Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hóa, chính sách xã hội hoá trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế;...
Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) bổ sung các quy định hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước.
Cụ thể, Dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước (TNN) trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.
Dự thảo Luật xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về TNN với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy,...); đồng thời, giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các Luật.
Bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; quy định cụ thể về bảo vệ nguồn nước quan trọng cấp cho sinh hoạt; quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, bảo vệ nguồn nước trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước.
Dự thảo Luật bổ sung quy định về phân vùng chức năng nguồn nước; quy định nội dung giám sát, trách nhiệm giám sát và kết nối dữ liệu giám sát của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước theo hướng tự động liên tục hoặc định kỳ đảm bảo giám sát khai thác, sử dụng nước của công trình... nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước để bảo vệ số lượng, chất lượng của nguồn nước và bảo vệ các dòng sông.
Ngoài ra, Dự thảo Luật bổ sung nội dung về xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Để giải quyết hiệu quả các vấn đề cụ thể của từng lưu vực sông xảy ra ở tiểu lưu vực đang gặp phải như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt,... tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực.
Quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật. Trong đó tập trung tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt là Kết luận số 36- KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để chủ động tích trữ nước, điều tiết đảm bảo đủ nước cấp, sinh hoạt và sản xuất; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước, sử dụng khoa học, công nghệ trong quản trị và phát triển tài nguyên nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước, đảm bảo có đủ quy định về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; quản lý, kiểm soát toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý tài nguyên nước, bao quát cả 3 loại nước: nước mặn, nước lợ và nước ngọt; nghiên cứu thêm quy định về nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đồng thời nghiên cứu bổ sung chính sách mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường bảo đảm tương thích, thống nhất với công ước quốc tế và Luật bảo vệ môi trường; rà soát bổ sung nội dung tích lũy, tích trữ nước ngọt, tái sử dụng nước, tuần hoàn nước; nghiên cứu, mở rộng hơn cơ chế giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước; nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định có liên quan đến nước dưới đất.
Trước những điều chỉnh báo cáo của cơ quan soạn thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng như nhiều ý kiến từ các đơn vị liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất với các luật khác. Quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, ban hành, điều chỉnh danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước; xác định rõ hơn phạm vi điều tra cơ bản tài nguyên nước, điều kiện để tham gia, cơ chế sử dụng nguồn tài chính cho điều tra cơ bản.
Rà soát để quy hoạch tài nguyên nước đồng bộ với quy hoạch phòng, chống thiên tai, quy hoạch thủy điện, quy hoạch cấp nước và đảm bảo các quy định về quy hoạch tài nguyên nước tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, nhất là thứ bậc, mối quan hệ với các loại quy hoạch khác. Bố cục, sắp xếp lại các quy định về các loại quy hoạch trong dự thảo Luật bảo đảm logic, thống nhất về cách trình bày.
Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; hành vi bị nghiêm cấm đảm bảo rõ ràng, khả thi, tránh dàn trải, trùng lắp và không mâu thuẫn với các luật khác, nhấn mạnh việc phục hồi tài nguyên nước; bổ sung thêm chức năng phòng, chống thiên tai như thoát lũ, chứa lũ, điều hoà chống úng, chống ngập, phân lũ, chắn lũ...; quy định cụ thể hơn phân cấp và lộ trình xác định dòng chay tối thiểu. Lưu ý ý kiến của cơ quan thẩm tra về nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn nước, các quy định liên quan đến phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; vai trò, chức năng của tổ chức lưu vực sông, quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, về dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước dưới đất.
Tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Luật Tài nguyên nước là nhiệm vụ trọng tâm được triển khai.
Hoàn thiện các quy định về điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bổ sung các quy định để duy trì khai thác nước dưới đất, bổ cập nước dưới đất và thu nước mưa trên bề mặt, hạn chế bê tông hóa bề mặt đất; tách bạch các quy định khai thác và sử dụng nước; bổ sung các quy định để nêu bật tính cạnh tranh và vai trò của các thành phần kinh tế trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bổ sung quy định về tái sử dụng nước; hoàn thiện quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan trọng khai thác, sử dụng tài nguyên nước để đảm bảo tính khả thi và có đủ căn cứ thực hiện; lưu ý ý kiến của cơ quan thẩm về các nội dung này.
Rà soát các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước để đảm bảo phân cấp, phân quyền cụ thể, tách bạch phạm vi quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo và đảm bảo thống nhất từ trung ương đến địa phương. Quy định rõ thẩm quyền của các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng nước, trong việc ban hành các quy chuẩn và tiêu chuẩn về nước..., tránh chồng chéo giữa các luật trong thực thi.
Hoàn thiện công cụ chính sách về nguồn lực cho tài nguyên nước, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức, tài chính cho việc bảo vệ nguồn nước, khai thác, xử lý nước cho sinh hoạt, công nghiệp và bổ cập cho nước ngầm, các quy định liên quan đến tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, trường hợp miễn, giảm, các ưu đãi hỗ trợ... đảm bảo thống nhất, đồng bộ, cụ thể, khả thi và phù hợp với các luật khác. Lưu ý các quy định liên quan đến thu chi ngân sách, thuế, phí phải tuân thủ Hiến pháp, Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Ngân sách nhà nước. Nghiên cứu bổ sung yếu tố mức độ khan hiếm của tài nguyên nước để quy định các khoản thu, các khoản thuế, giá nước phù hợp với đặc điểm của từng khu vực.
Rà soát các quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước để đảm bảo minh bạch, công khai, khả thi, người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận; hoàn thiện các quy định về điều hòa, dự trữ, phân phối, khai thác, phục hồi, sử dụng tuần hoàn và bảo vệ tài nguyên nước, hợp tác quốc tế, thanh tra, giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước…
Đức Hải
Bình luận