Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ hai, 19/02/2024 08:02
TMO - Trước diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khó dự báo, tỉnh Đồng Tháp đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhằm hướng đến chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới ở biển Đông, bão và áp thấp nhiệt đới, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhưng đã gián tiếp gây ra mưa vừa đến mưa to, dông lốc, gió mạnh và xảy ra 30 trận mưa kèm theo dông, sét, làm 2 người chết do dông, sét đánh và 1 người bị thương, làm sập 24 căn nhà, tốc mái, xiêu vẹo 447 căn; đổ ngã 5 trụ điện, 2 cây lâu năm, 27 cây ăn trái; 1 ha hoa màu cây kiểng, 0,15 ha vườn cây ăn trái bị thiệt hại.
Năm qua, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là sạt lở nội đồng, đã xảy ra 7 vụ sạt lở bờ sông Tiền với chiều dài sạt lở 4,43 km, diện tích sạt 2,43 ha; sạt lở dạo (ăn mòn đất) xảy ra ở 2 huyện Thanh Bình và Cao Lãnh với chiều dài khoảng 20,1 km, diện tích sạt 1,36 ha, ước thiệt hại là 11,36 tỷ đồng; sạt lở nội đồng xảy ra 92 vụ sạt lở, sụt lún với chiều dài sạt lở là 3,71 km, diện tích 0,975ha làm ảnh hưởng trực tiếp đến 19 hộ dân, trong đó sập, cuốn trôi 3 căn nhà, tháo dỡ di dời 4 căn và sạt lở mái taluy, mái kênh, ăn mòn đất tại TP. Sa Đéc với chiều dài 6,473 km, diện tích sạt 1,217ha, ước thiệt hại là 5,45 tỷ đồng.
Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp xây dựng nhiều kịch bản, phương án ứng phó tương ứng với từng mức độ rủi ro thiên tai. Cụ thể, để ứng phó với diễn biến sạt lở bờ sông Tiền ngày càng nghiêm trọng, từ năm 2020 đến nay, từ nguồn lực của địa phương và hỗ trợ của Trung ương, Đồng Tháp đầu tư xây dựng nhiều công trình kè phòng chống sạt lở bờ sông với tổng kinh phí 2.946,672 tỷ đồng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng còn gặp một số khó khăn như: một bộ phận người dân chưa chủ động trong phòng, chống thiên tai nên thiệt hại xảy ra còn nhiều; nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống thiên tai thiếu, lực lượng có trình độ chuyên môn sâu còn ít và làm việc theo hình thức kiêm nhiệm; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp; cơ sở vật chất cơ quan tham mưu chỉ đạo, điều hành còn hạn chế, thiếu thiết bị cảnh báo tự động tại cộng đồng…
Địa phương này tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm chủ động ứng phó với thiên tai.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự và phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài, do đó cần tổ chức thực hiện chặt chẽ, có phương án rõ ràng sẽ hạn chế, cũng như giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, cũng đề nghị các huyện, thành phố cập nhật các phát sinh về thiên tai để đưa vào kịch bản ứng phó, điển hình như sạt lở nội đồng. các ngành hữu quan, địa phương không chủ quan, lơ là với thiên tai; căn cứ vào tình hình thực tế để có các biện pháp chủ động ngay từ đầu, rà soát lại phương án phòng, chống thiên tai; quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý thức phòng chống thiên tai...
Các sở, ngành, địa phương cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình lấn chiếm sông, kênh rạch để giảm nguy cơ sạt lở; có phương án khắc phục hạn chế về tính chính xác trong dự báo tình hình thiên tai; tổng hợp nhu cầu kinh phí, trang thiết bị phục vụ phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phát huy vai trò cộng đồng đối với công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Năm 2024, theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan; bên cạnh đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn. Do vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, sự cố ở các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, cần nâng cao cảnh giác, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống sự cố, thiên tai, không để bị động, bất ngờ.
Cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ năm 2024 đã được nêu tại Báo cáo của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đề nghị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý: Xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và triển khai Luật phòng thủ dân sự. Kiện toàn cơ quan chỉ đạo theo quy định của Luật phòng thủ dân sự trên tinh thần rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá thể hóa trách nhiệm của từng thành viên, bảo đảm hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.
Các bộ, ngành chủ động rà soát, báo cáo rõ những vướng mắc, bất cập (nếu có) và kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, sự cố, giữ vững nguyên tắc “phòng hơn chống”, “lấy phòng ngừa làm chính”: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước xây dựng được ý thức tự giác, cùng tham gia, tự bảo vệ mình cho người dân; hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân để giảm thiệt hại khi có thiên tai, sự cố, nhất là kỹ năng phòng, chống đuối nước, ứng phó khi xảy ra bão, lũ, sạt lở đất, cháy.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các quy định pháp luật, hướng dẫn của cơ quan chức năng về phòng, chống sự cố, thiên tai, đặc biệt trong công tác phòng, chống cháy nổ. Tăng cường đào tạo, tập huấn, huấn luyện cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và cứu hộ cứu nạn, nhất là ở cơ sở. Chủ động làm tốt công tác phối hợp trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố: Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là trong chỉ đạo, điều phối, huy động lực lượng ứng phó với tình huống thiên tai, sự cố, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực...
Vũ Hương
Bình luận