Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ tư, 10/04/2024 08:04
TMO - Trước sự gia tăng của lượng rác thải tại khu vực nông thôn, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng công tác thu gom, phân loại rác thải, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh, hiện chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh vào khoảng 925 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 49,2% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh. Trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 814 tấn/ngày được đưa về các khu xử lý chất thải để xử lý. Còn lại khoảng 111 tấn/ngày tại khu vực nông thôn chưa có tuyến thu gom, được các hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý theo hướng dẫn như: làm phân compost, thức ăn gia súc, bán phế liệu...
Đến nay, có 97 xã của 10 huyện, thành phố đã bố trí các điểm thu hồi chất thải nguy hiểm trong sinh hoạt. Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.555 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. 100% xã trên địa bàn tỉnh đều có đơn vị thu gom là các hợp tác xã, tổ thu gom, các cá nhân thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình đến các trạm trung chuyển/khu xử lý. Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp và mang lại hiệu quả.
100% xã trên địa bàn tỉnh đều có đơn vị thu gom là các hợp tác xã, tổ thu gom, các cá nhân thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Là huyện thuần nông, lượng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ là rất lớn. Với khoảng 49 tấn rác thải phát sinh mỗi ngày địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải. Trong đó, địa phương thực hiện tốt việc phân loại chất thải tại nguồn; tận dụng nguồn rác thải hữu cơ làm phân bón, thuốc sinh học phục vụ lại sản xuất, góp phần xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp cũng như phát triển nông nghiệp bền vững.
Cụ thể, trong sinh hoạt, trên địa bàn huyện khuyến khích tiêu dùng thông minh, hạn chế sử dụng túi ny-lông, sản phẩm nhựa một lần, sử dụng nước tẩy rửa (nước rửa chén, tẩy rửa nhà vệ sinh...) hữu cơ thay cho các sản phẩm thông thường trên thị trường, phân loại rác thải tại nguồn… Mỗi xã, thị trấn lựa chọn 1 ấp, khu phố, khu dân cư để làm điểm triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đảm bảo trên 70% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom và phân loại tại nguồn. 100% xã, thị trấn tham gia thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; các địa bàn không thực hiện làm điểm cũng đảm bảo thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đạt từ 50% trở lên.
Đối với khu dân cư tập trung, các địa phương trang bị thùng rác màu xanh chứa rác thực phẩm, thùng rác màu xám chứa rác thải sinh hoạt còn lại, xây dựng lịch thu gom rác xen kẽ trong tuần (rác thải thực phẩm 2 lần/tuần; rác thải còn lại 1 lần/tuần) hoặc đơn vị sử dụng rác thực phẩm sẽ chủ động lấy rác để làm phân hữu cơ, khuyến khích người dân xử lý rác thải bằng phương pháp vi sinh bản địa (IMO) để làm phân bón cho cây trong nhà và cây, hoa khu vực công cộng.
Đối với khu vườn rẫy, thực hiện bê tông hóa các tuyến đường khu vườn rẫy, đảm bảo xe thu gom rác đến được tận ngõ các hộ dân, trang bị thùng rác chất thải rắn sinh hoạt khác để người dân thải bỏ sau phân loại, tần suất thu gom 7-10 ngày/lần. Đến nay, 74/74 ấp trên địa bàn huyện đã có người dân sử dụng phương pháp IMO để xử lý rác thải thực phẩm thành phân hữu cơ trong nhân dân;13/13 xã, thị trấn có cán bộ hội phụ nữ, hội nông dân là tuyên truyền viên đối với nội dung nêu trên. Trên địa bàn huyện đã có 18.593/36.036 hộ tham gia phân loại rác thải tại nguồn đạt 51,6% về số hộ; về khối lượng thu hồi, tái chế đạt 43% tổng lượng rác phát sinh. Phương pháp IMO không ngừng được nhân rộng đến tất cả các HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất.
Đến nay, toàn huyện có 170ha cây trồng áp dụng và bước đầu mang lại hiệu quả, giảm chi phí cho người sản xuất. toàn bộ 13/13 xã, thị trấn của huyện Cẩm Mỹ đã đồng loạt ứng dụng IMO trong sản xuất, tạo nền tảng cho phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tận dụng hết các phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm nguyên liệu ủ với IMO thành phân bón.
Tỉnh Đồng Nai hướng tới mục tiêu đến năm 2030, chấm dứt hoàn toàn chôn lấp trực tiếp rác sinh hoạt.
Mỗi ngày, khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên toàn địa bàn huyện Xuân Lộc là khoảng 110 tấn/ngày, bao gồm chất thải được thu gom và chất thải hộ dân đăng ký tự xử lý. Trong đó, khối lượng chất thải sinh hoạt được người dân đăng ký với các hợp tác xã thu gom, vận chuyển về xử lý tại đơn vị xử lý rác khoảng 95 tấn/ngày. Khối lượng rác người dân tự xử lý bằng cách tận dụng cho chăn nuôi hoặc ủ phân bón cho cây trồng khoảng 12 tấn/ngày. Chất thải tái chế được người dân thu hồi và bán cho các cơ sở thu mua phế liệu khoảng 3 tấn/ngày.
Huyện Xuân Lộc tiếp tục triển khai công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn; thu gom và quản lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại và không nguy hại đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn huyện; phân loại chất thải rắn tại nguồn. Bên cạnh đó, ngành chức năng của huyện tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trại chăn nuôi trên địa bàn huyện để góp phần quản lý, bảo vệ môi trường tốt hơn…
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 triển khai phân loại rác đến 100% hộ gia đình; 80% tổ chức, cá nhân thu gom rác sinh hoạt và 100% đơn vị vận chuyển phải đáp ứng đồng bộ các phương tiện, trang thiết bị phù hợp với việc phân loại rác; 100% trạm trung chuyển chất thải được đầu tư xây dựng, cải tạo phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về xây dựng và bảo vệ môi trường. Đến năm 2030, đưa dự án Đốt rác phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu vào vận hành; tất cả các khu xử lý chất thải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp quy định. Chấm dứt hoàn toàn chôn lấp trực tiếp rác sinh hoạt.
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong bảo vệ môi trường. Hầu hết các khu công nghiệp đều có khu xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hợp đồng thu gom rác, xử lý chất thải theo đúng quy định. Ở khu vực nông thôn, người dân đã chủ động thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thú y; môi trường trong chăn nuôi ngày một tốt hơn.
Riêng với rác thải sinh hoạt, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý đã được chú trọng, tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt của tỉnh đạt dưới 15%; các địa phương trong tỉnh không còn bãi rác tự phát…Để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng đi vào nề nếp, quá trình thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh cần sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả các của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị thu gom và xử lý, chủ nguồn thải.
Mạnh Dũng
Bình luận