Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Thứ bảy, 30/12/2023 11:12
TMO - Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai triển khai hiệu quả các nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn...
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, khối lượng rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh khoảng 925 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 49,2% khối lượng chất thải rác sinh hoạt toàn tỉnh. Trong đó, khối lượng chất thải rác sinh hoạt khoảng 814 tấn/ngày được đưa về các khu xử lý chất thải để xử lý. Còn khoảng 111 tấn/ngày khối lượng chất thải rác sinh hoạt của các hộ dân tại khu vực nông thôn chưa có tuyến thu gom, được các hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý theo hướng dẫn như làm phân bón, thức ăn gia súc, bán phế liệu…
Tại 97 xã của 10 huyện, thành phố đã bố trí các điểm thu hồi chất thải nguy hại trong sinh hoạt. Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.555 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. 120/120 xã đều có đơn vị thu gom là các hợp tác xã, tổ thu gom, các cá nhân thực hiện việc thu gom chất thải rác sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình đến các trạm trung chuyển/khu xử lý. Kết quả triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 43% số hộ dân toàn tỉnh. Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thành phố, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý sau phân loại tại nguồn khoảng 404 tấn/ngày, đạt 21,5% so với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Thu gom rác thải là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các địa phương đẩy mạnh triển khai trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: PM.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải sinh hoạt trong xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2024, có ít nhất 20% hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn, 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý. Theo đó, tỉnh Đồng Nai triển khai hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị, chế phẩm sinh học để thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình; xây dựng và triển khai mô hình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với mật độ dân cư, mục đích sử dụng chất thải sau phân loại.
Tổ chức mạng lưới thu gom triệt để và hiệu quả; hình thành và hoàn thiện các phương thức thu gom phù hợp với đặc thù của từng địa phương; bố trí và đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; trang bị các phương tiện, trang thiết bị lưu chứa rác tại khu vực công cộng đảm bảo thuận tiện, thân thiện môi trường và mỹ quan. Xây dựng, triển khai và hoàn thiện mô hình liên kết thị trường để thu hồi, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải (như sản phẩm phân bón hữu cơ...).
Cùng với công tác thu gom, xử lý rác thải, cấp nước sạch nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn gần 83%. Hiện có 63 công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 67.000 m3/ngày đêm, tuy nhiên trên thực tế, công suất hoạt động chỉ đạt 48% so với thiết kế.
Trước thực tế này, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu 85% hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, trong đó 55% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, số lượng tối thiểu 80 lít/người/ngày; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước sạch tập trung. Theo đó, các địa phương chú trọng sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có, trong đó tập trung nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025 tối thiểu 85% hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Ảnh: PA.
Xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước. Rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2025 tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu: 100% hộ thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả. Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Khoảng 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Có 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định. Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ. Ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn, 95% trường học, trạm y tế, chợ, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổ chức thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt, lồng ghép trong quy hoạch xây dựng nông thôn của xã và triển khai thực hiện các công trình thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt theo phương án đã được xây dựng. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tái sử dụng chất thải cho mục đích sản xuất nông nghiệp và các mục đích khác.
Đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện thu gom, lưu trữ và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, đảm bảo không phát tán ra môi trường. Hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn phù hợp đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường với từng làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; trong đó, tập trung vào nhóm các ngành nghề chế biến nông, lâm, thủy sản có phát sinh chất thải, nước thải cần xử lý trước khi thải ra môi trường; ưu tiên các hoạt động tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đã qua chế biến.
Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện đề án cấp huyện về cải tạo chất lượng và cảnh quan môi trường nước mặt khu vực công cộng; tổ chức theo dõi diễn biến chất lượng nước ao, hồ công cộng nằm trong khu dân cư nông thôn; cải tạo cảnh quan và khôi phục chất lượng môi trường nước khi bị ô nhiễm. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng về an toàn thực phẩm; tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực về tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm cho chủ thể sản xuất.
Thu Hà
Bình luận