Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ năm, 18/04/2024 08:04
TMO - Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, đặc biệt tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Việc tăng cường ứng dụng chuyển đổi số để ứng phó với hạn mặn tại khu vực này là yêu cầu cấp thiết.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với cao điểm mùa khô, kéo theo tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng. Tình trạng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra ở các năm tiếp theo, đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt từ các địa phương trong khu vực. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nam Bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình những năm trước, với nhiều đợt xâm nhập mặn liên tiếp. Gây thiệt hại, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cây trồng và thủy sản của người dân trong khu vực ĐBSCL. Trước thực trạng đó đòi hỏi cần có giải pháp thiết thực để hạn chế, giảm thiểu tác hại do xâm nhập mặn, hạn hán gây ra.
Về giải pháp ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, mỗi địa phương cần thực hiện những biện pháp phù hợp với điều kiện của mình. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, cần tiến hành một số giải pháp chung như tăng cường mật độ, chất lượng hệ thống quan trắc mặn theo không gian và thời gian. Mô hình số dự báo mặn cần được đẩy mạnh triển khai.
Ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo AI và Dữ liệu lớn big data trong giám sát và dự báo mặn cũng là giải pháp quan trọng. Một số công nghệ tương tự đã được Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) Việt Nam ứng dụng hiệu quả và đạt giải chuyển đổi số Quốc gia cần được nhân rộng như như hệ thống cảnh báo dông sét thời gian thực cần được nhân rộng. Cơ sở dữ liệu giám sát mặn cần hoàn thiện. Hiện trạng hoạt động của hệ thống ngăn mặn cần được giám sát, báo cáo và vận hành online. Cần có app và các loại hình bản tin mặn như các bản đồ số trực tuyến cung cấp kịp thời, bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó có nền tảng mạng xã hội…
Bên cạnh đó cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp cho khu vực, nâng cao kỹ thuật thâm canh lúa nhằm làm tăng chất lượng nước ngọt, giảm phèn, nhiễm mặn…Đặc biệt cần lựa chọn cây trồng vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ. Việc nghiên cứu tiến hành các biện pháp bền vững lâu dài cho phát triển kinh tế địa phương, cần phải từng bước lựa chọn và lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi có thể tồn tại và phát triển trong môi trường khô hạn, nước mặn và nước lợ. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, xâm nhập mặn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường… Do đó các địa phương ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo và chủ động biện pháp chủ động phòng, chống.
Trạm quan trắc độ mặn tại tỉnh Kiên Giang (Ảnh: TT).
Với việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dự báo kết hợp tận dụng các thiết bị công nghệ (như: máy đo độ mặn, hệ thống quan trắc, điện thoại di động, nền tảng mạng xã hội…), các tỉnh thành đã kịp thời đưa ra các cảnh báo về tình hình hạn mặn, giúp các địa phương triển khai hiệu quả giải pháp ứng phó. Qua đó, phát huy vai trò chủ động, linh hoạt của người dân trong áp dụng các giải pháp phù hợp với từng khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân.
Bên cạnh đó tiếp tục xây dựng, kiện toàn hệ thống đê điều, thành lập các khu bảo vệ trước lũ, xâm nhập mặn, chủ động kiểm soát nguồn nước; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt; Xây dựng hệ thống đê biển, đê sông,…là một trong những biện pháp tích cực, hiệu quả nhất trong quản lý nguồn nước ngọt, gián tiếp đẩy lùi tình trạng xâm nhập mặn.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, về dài hạn khu vực ĐBSCL cần thực hiện đầy đủ các chủ trương và định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ. Tại Nghị quyết số 120/NQ-CP mục tiêu đến năm 2050 ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, đặc biệt tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (hiện nay đang 4%). Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ hiện đại. Hạ tầng thuỷ lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái…
Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài. Trong đó, chuyển đổi số để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn là điều cấp thiết và hoàn toàn phù hợp trong điều kiện khoa học công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay.
Phương Anh
Bình luận