Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ ba, 18/10/2022 08:10
TMO - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang nhận định, đổi mới công nghệ trong những năm qua đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh với các địa phương khác trong thị trường tiêu thụ cả nước.
Thời gian qua, nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, Sở KH&CN An Giang đã hỗ trợ 44 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chuyển giao và ứng dụng đổi mới công nghệ, thiết bị với tổng kinh phí gần 109 tỷ đồng (nguồn sự nghiệp KH&CN hỗ trợ 16,56 tỷ đồng).
Đặc biệt, triển khai đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản đáp ứng yêu cầu khắt khe khi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, đặc biệt An Giang là vùng nông nghiệp chuyên về lúa gạo. Trên địa bàn tỉnh, tại một số địa phương các doanh nghiệp sản xuất đã sử dụng máy tách màu gạo nhằm tự động hóa quá trình chọn lựa, phân loại những hạt chất lượng kém ra khỏi thành phẩm, cho ra những hạt gạo đạt tiêu chuẩn về chất lượng.
Thực hiện chỉ đạo từ Tỉnh ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Sở KH&CN đã hỗ trợ nhiều dự án. Nổi bật như dự án sản xuất thử nghiệm nấm linh chi theo hướng công nghệ cao tại huyện Thoại Sơn. Trong đó, nhà trồng sử dụng công nghệ, đầu tư hệ thống tạo ẩm bằng sóng siêu âm, bộ điều khiển chế độ bật, tắt thiết bị tưới bằng smartphone (điện thoại thông minh), giúp tiết kiệm công lao động, kiểm soát điều kiện nuôi trồng nên nấm phát triển tốt, tăng năng suất và đặc biệt không rửa trôi bào tử trên tai nấm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây giống rau với việc xây dựng một nhà màng kiểu hở một bên với diện tích 4.000m2, sử dụng màng phủ do Israel sản xuất, tăng công suất gieo ươm cây giống lên 100%, giảm 30-50% công lao động, sản xuất cây giống quanh năm với số lượng 5 triệu cây/năm, giảm hao hụt cây con (từ 10% xuống còn 3% tại khâu gieo ươm); hạ giá thành sản xuất giống do cơ giới hóa, tự động hóa và nhà màng làm giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật 70%.
Đổi mới khoa học công nghệ đang tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh An Giang
Tại huyện Bảy Núi, một số đơn vị đang đẩy mạnh mở rộng diện tích ứng dụng sản xuất dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Sản phẩm thu hoạch sau 65-75 ngày, năng suất dưa lưới từ 3,7-4,3 tấn/1.000m2, doanh thu 429-499 triệu đồng/1.000m2/4vụ/năm, có chứng nhận VietGAP và có đơn vị hợp đồng bao tiêu. Tại huyện Châu Phú, mô hình ứng dụng hệ thống chuồng kín trong chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học cho hiệu quả cao: Tỷ lệ gà sống đạt 97%; năng suất 18.000 con gà/vụ/chuồng, sản lượng gà thịt xuất chuồng đạt 104.760 con/3 đợt/2 chuồng; trọng lượng 2,7-3,2kg/con.
Ngoài ra, tại huyện Chợ Mới đã hình thành vùng chuyên canh xoài với dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài 3 màu có quy mô 500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm”. Kết quả, có hơn 576ha đạt chứng nhận VietGAP cho sản phẩm xoài của Hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới với 651 hộ tham gia thực hiện mô hình và 7 mã số vùng trồng (code) xuất khẩu vào thị trường: Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Hàn Quốc.
Mới đây, trong Kế hoạch xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tỉnh An Giang năm 2022, UBND tỉnh nhấn mạnh tới nội dung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và công nghiệp chế biến nông sản và các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong đó, ưu tiên định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ logistics. Tập trung đầu tư phát triển các dự án liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo quản, chế biến đối với các sản phẩm chủ lực; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nghiên cứu, sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường,
Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học trong lĩnh vực giống vật nuôi, thuốc thú y, sản xuất vắc xin; sản xuất giống thủy sản tập trung, sản xuất giống công nghệ cao; phát triển nuôi trồng thủy sản hữu cơ; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ, khoa học công nghệ phục vụ phát triển cơ giới hóa lâm nghiệp và chế biến lâm sản, dược liệu; phát triển mạnh hệ thống hạ tầng logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản một cách đồng bộ, chuyên nghiệp; phát triển hạ tầng thương mại như chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản.
Lê An
Bình luận