Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 19:01
Thứ hai, 20/06/2022 16:06
TMO - Việc sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc góp phần minh bạch thông tin, xuất xứ sản phẩm, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu...
Tổng cục Hải quan, đơn vị nghiên cứu đề án "Dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc với đường mía" cho biết, việc dán tem sẽ căn cứ vào trọng lượng của sản phẩm.
Đối với bao đường đóng gói từ 20kg trở lên, sẽ áp dụng tem điện tử sử dụng công nghệ RFID. Tem này sẽ được dán ở 2 đầu của bao đường. Đối với bao đường đóng gói dưới 20kg sẽ áp dụng tem điện tử gắn mã QR Code. Tem này có thể in dưới dạng giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì đóng gói sản phẩm.
Theo đó, loại tem điện tử này sử dụng công nghệ RFID có chứa đựng các thông tin về: chủng loại đường, tên/địa chỉ cơ sở sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, số tờ khai hải quan, thời điểm nhập khẩu, đồng thời cũng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Việc dán tem đường nhập khẩu do doanh nghiệp tự thực hiện ngay tại khu vực cửa khẩu, dưới sự giám sát của cơ quan hải quan và trước khi thông quan hàng hóa. Tem có mã QR truy xuất nguồn gốc có thể được in dưới dạng giấy hoặc in trực tiếp trên bao bì đóng gói sản phẩm để giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc, cơ sở sản xuất của sản phẩm.
Đề xuất dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường, ngăn chặn tình trạng buôn lậu
Việc gắn mã QRCode truy xuất nguồn gốc do doanh nghiệp thực hiện, cụ thể như sau: Đối với đường sản xuất trong nước: thực hiện tại nơi sản xuất. Đối với đường nhập khẩu được đóng gói dưới 20kg: doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện việc gắn mã QR truy xuất nguồn gốc tại 02 thời điểm: Tại cơ sở sản xuất của nước xuất khẩu; hoặc ngay tại khu vực cửa khẩu và trước khi thông quan hàng hóa.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ triển khai áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng đường mía và xây dựng Thông tư hướng dẫn việc áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng đường mía sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thời gian qua, một số lượng lớn đường cát nhập lậu vẫn đang tràn vào Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cơ quan Hải quan đã phát hiện xử lý tới 42 vụ buôn lậu đường lên đến hàng trăm tấn. Các đối tượng chuẩn bị sẵn hóa đơn chứng từ, quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa các lô hàng buôn lậu đường.
Trước thực trạng trên, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường. Việc dán tem điện tử được kỳ vọng góp phần minh bạch thông tin, xuất xứ sản phẩm, giúp ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát.
Thu Trang
Bình luận