Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Chủ nhật, 16/10/2022 05:10
TMO - Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tại Việt Nam, năm 2018 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 950) nhằm đóng góp vào việc triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia thông qua phát triển đô thị thông minh bền vững hướng tới tăng trưởng xanh.
Đồng thời, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện đối với tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh.
Đến nay, Việt Nam đang có 41/63 tỉnh, thành phố đang xây dựng đô thị thông minh, trong đó bao gồm 27 địa phương xây dựng đô thị thông minh toàn tỉnh và 14 địa phương xây dựng đô thị thông minh trực thuộc tỉnh. Đảng, Nhà nước luôn xác định phát triển đô thị thông minh chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
Ảnh minh họa
Trong quá trình hoàn thiện đề án phát triển đô thị thông minh, cùng với những chính sách định hướng, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong phát triển đô thị thông minh cũng rất quan trọng, đặc biệt là kinh nghiệm từ các nước châu Á với nhiều đặc điểm tương đồng.
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-BXD phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (VKC).
Dự án VKC nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc nói riêng.
Theo đó, Dự án VKC sẽ hỗ trợ cho Bộ Xây dựng triển khai thực hiện Đề án 950 thông qua hoạt động thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh, hoạt động xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam; thành lập Trung tâm VKC và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh.
Thời gian tới, việc phát triển đô thị thông minh sẽ tập trung vào xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá; thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hoá liên thông đa ngành; phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh phù hợp với bối cảnh Việt Nam; đồng thời, cần thiết tham gia hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn quản lý, phát triển đô thị.
Trần Tuấn
Bình luận