Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ ba, 16/07/2024 07:07
TMO - Với mục tiêu đẩy mạnh số hoá dữ liệu đất đai nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu đất đai.
Việc áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý ở lĩnh vực đất đai là rất cần thiết. Sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý và cung cấp thông tin giúp cho hệ thống quản lý đất đai đáp ứng được những yêu cầu trong quá trình phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Hiện nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với hơn 42 triệu thửa đất và hơn 22 triệu hồ sơ về đất đai dạng giấy đã được chuẩn hóa và số hóa thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đưa vào khai thác sử dụng
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, trong 6 tháng đầu năm 2024, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã tiếp nhận 72.345 hồ sơ, trong đó có 32.274 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, đạt trên 44,6%. Với tỷ lệ chậm muộn chỉ có 1,8%, công tác giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục có những chuyển biến tích cực, bước đầu đã làm hài lòng và dần lấy lại được niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với ngành TN&MT, đặc biệt là trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thông tin từ đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai đã mang lại hiệu quả tích cực. Đối với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện và nâng cao bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số. Hiện nay, đơn vị có 9 cán bộ có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin và đang sử dụng thử nghiệm phần mềm hệ thống thông tin đất đai VBDLis.
Theo đó, toàn bộ thông tin hồ sơ địa chính khi thực hiện thủ tục hành chính đều được quét, nhập liệu vào hệ thống để xử lý, cập nhật, chỉnh lý và lưu trữ. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, đơn vị đã chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực đất đai; đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai hiện đại, đa mục tiêu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu công việc của quá trình giải quyết thủ tục hành chính như tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ và giải quyết hồ sơ. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đất đai được Sở TN&MT Vĩnh Phúc chú trọng. Ảnh: PH.
Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số được các văn phòng Đăng ký đất đai chú trọng thực hiện. Đơn cử như tại Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Tam Dương, chi nhánh đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Hiện tại, toàn bộ hồ sơ đều được tiếp nhận, giải quyết trên môi trường điện tử. Chi nhánh cũng sử dụng các hệ thống phần mềm chuyên môn vào vận hành để phục vụ giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn người dân kê khai trực tuyến, giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức đi lại. Tính đến giữa năm 2023, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn của chi nhánh đã tăng rõ rệt. Đến nay, tỷ lệ giải quyết chậm muộn hồ sơ chỉ còn 0,2%.
Đẩy mạnh chuyển đổi số được Sở TN&MT Vĩnh Phúc quan tâm, Sở đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng các hệ thống thông tin có tính chuyên môn hóa cao, hạ tầng thiết bị, mạng LAN có kết nối Internet tại các phòng, đơn vị thuộc Sở cơ bản đáp ứng việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để liên thông, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế, như việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin chưa phát huy hết hiệu quả; việc ứng dụng nền tảng số trong ngành TN&MT chưa đồng bộ, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguồn lực hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành TN&MT mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song vẫn còn hạn chế, nhiều thiết bị đã xuống cấp.
Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực TN&MT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 26/7/2022, trong đó nhấn mạnh xây dựng các hệ thống thông tin, nền tảng dữ liệu số ngành TN&MT, ưu tiên xây dựng nền tảng dữ liệu đất đai, bản đồ số bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu, thông tin, hình thành các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khai thác hiệu quả hệ sinh thái số về tài nguyên và môi trường, đóng góp các nền tảng số cho phát triển kinh tế số, xã hội số.… Tích hợp, kết nối hệ thống dữ liệu TN&MT đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh.
Chuyển đổi số, số hoá dữ liệu đất đai, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường hiệu quả và minh bạch hóa công tác quản lý đất đai, TN&MT, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái chính quyền số quốc gia. Từ đó đảm bảo dữ liệu đất đai luôn đúng, đầy đủ để giải quyết nhanh chóng, chính xác thủ tục hành chính liên qua về đất đai cho Nhân dân.
Đức Dũng
Bình luận