Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ bảy, 05/11/2022 05:11
TMO - Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát nước, quản lý mực nước trong vùng lõi đô thị, ứng phó với tình trạng ngập úng, thời gian qua thành phố Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập úng đô thị.
Tận dụng hiệu quả sự viện trợ của quốc tế, các sở, ngành chức năng của thành phố đã triển thực hiện Dự án “Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị” (Dự án 3). Dự án 3 bao gồm 3 hợp phần, trong hợp phần 3 có nội dung “Xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho TP Cần Thơ” (hệ thống FRMIS).
Hệ FRMIS là một công cụ hỗ trợ giúp quản lý rủi ro ngập một cách thông minh, tự động điều chỉnh, kiểm soát mực nước trong vùng lõi đô thị, dựa vào các dữ liệu không gian từ các sở ngành hữu quan, các số liệu mực nước, khí tượng thủy văn, các công cụ của công nghệ thông tin và thiết bị điều khiển. Hệ thống này hoạt động liên tục quanh năm. Trong mùa mưa hệ thống vận hành vừa giúp dự báo ngập vừa giúp hỗ trợ quy hoạch đô thị nhằm giảm thiểu thiệt hại do ngập tác động đến cộng đồng. Vào mùa khô hệ thống giúp duy trì mực nước sông rạch ở mức cần thiết để duy trì giao thông thủy, bảo vệ môi trường nước và cảnh quan hỗ trợ phát triển du lịch…
FRMIS vận hành trên 2 khung thời gian gồm: Thời gian trực tuyến vận hành liên tục cơ sở hạ tầng ô bao và cảnh báo sớm ngập lụt; Lập quy hoạch (ngoại tuyến) cho quy hoạch bền vững trong trung và dài hạn. Ở mô hình thời gian thực sẽ cung cấp dự báo tình trạng mực nước sông rạch, dự báo phạm vi, độ sâu, tốc độ của dòng chảy trong trường hợp ngập lụt. Ðối với các mô hình quy hoạch sẽ đưa ra các dự báo trong những năm tới và đến năm 2050 về khả năng xảy ra ngập lụt đối với các kịch bản dòng chảy sông, mực nước biển và lượng mưa khác nhau, bao gồm cả tác động của biến đổi khí hậu.
Tình trạng ngập úng khu vực đô thị tại TP Cần Thơ ngày càng gia tăng. Vì vậy, hệ thống FRMI được đánh giá là giải pháp kỹ thuật hiệu quả kiểm soát tình trạng trên. Ảnh: TTX
Ðể vận hành các mô hình, hệ thống FRMIS cần cập nhật các dữ liệu về thủy văn (lượng mưa, mực nước và lưu lượng sông, mực nước thủy triều…); dữ liệu về địa hình (sử dụng đất, cao độ, mặt cắt kênh, sông, mạng lưới đường ống thoát nước, hướng tuyến, cao trình đường bộ, đường cao tốc; kết cấu thủy lực, hình ảnh chụp từ trên không…).
Hệ thống FRMIS được triển khai bao gồm: Trung tâm điều hành FRMIS là nơi làm việc của Ban Điều hành và nhân viên kỹ thuật vận hành hệ thống, đồng thời cũng là nơi đặt màn hình chính điều khiển cùng với các loại máy vi tính và máy móc, công cụ hỗ trợ khác…
Hệ SCADA bao gồm các đầu đo mực nước, chất lượng nước, đầu đo khí tượng thủy văn, các camera quan sát đường phố, hệ thống truyền dẫn dữ liệu và hệ thống điều khiển vận hành cửa cống của các công trình cống, trạm bơm… Trong vùng lõi hệ SCADA kết nối và điều khiển 12 cửa cống, âu thuyền và trạm bơm. Hệ SCADA được kết nối với Văn phòng FRMIS để vừa cung cấp dữ liệu vừa nhận lệnh điều khiển từ hệ FRMIS.
Theo các chuyên gia, các đô thị lớn đang đối mặt với thách thức, rủi ro về ngập lụt và đang gấp rút tìm giải pháp ứng phó. Theo đó, hệ thống FRMIS sẽ góp phần quan trọng giúp TP Cần Thơ thích ứng tốt với điều kiện bất lợi về môi trường, khí tượng thủy văn trong tương lai, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng vừa phát triển bền vững.
Trong quá trình xây dựng hệ thống cần xem xét lựa chọn thiết bị, công nghệ phù hợp, hình thành hệ thống dữ liệu dùng chung, tích hợp, kết nối thông suốt để các sở, ngành có liên quan có thể tiếp cận, khai thác; nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo quản lý, các thành viên trực tiếp tham gia vào vận hành hệ thống, nâng cao khả năng thích ứng của người dân khi tiếp nhận thông tin dự báo từ hệ thống.
Minh Huyền
Bình luận