Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 18:11
Thứ bảy, 30/07/2022 06:07
TMO - Thực hiện mục tiêu 100% sản phẩm OCOP 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử theo Kế hoạch số 2345 của UBND tỉnh, thời gian qua, các chủ thể OCOP, các ngành và cơ quan chức năng đã triển khai nhiều chương trình thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương trên nền tảng số.
Cụ thể, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp với các chủ thể OCOP lựa chọn các sản phẩm đạt yêu cầu để đưa lên sàn thương mại điện tử; các doanh nghiệp bưu chính tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các kiến thức về thương mại điện tử cho các hộ sản xuất.
Hỗ trợ kích hoạt tài khoản trên sàn thương mại điện tử và tài khoản thanh toán trực tuyến cho các hộ có nhu cầu đưa các sản phẩm đủ điều kiện. Các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP chủ động đầu tư cải tiến mẫu mã, bắt nhịp nhu cầu chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên sàn…
Theo thống kê của Sở Công Thương, đến hết tháng 6 năm 2022, đã có 63 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử uy tín trên cả nước; thiết lập được 11 gian hàng cấp huyện với 300 sản phẩm lên sàn. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi, tiếp cận được nhiều đối tượng và dần mở rộng thị phần, từng bước chinh phục thị trường trong nước và nước ngoài; lượng hàng bán qua kênh online tăng trưởng nhanh..
Tỉnh Nghệ An đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Nghệ An, sau gần 4 năm triển khai, Nghệ An đã có 253 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 249 sản phẩm mới và 4 sản phẩm được nâng hạng, đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và Quảng Ninh.
Kế hoạch số 2345/UBND-TH về việc triển khai Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử năm 2022 vừa được UBND tỉnh phê duyệt chỉ rõ các mục tiêu, 100% hộ sản xuất nông nghiệp được truyền thông về chương trình; 100% dữ liệu thông tin hộ sản xuất nông nghiệp phục vụ giao dịch, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử được chuẩn hóa, số hóa; 100% sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử...
100% hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh, các kỹ năng khác nhằm gia tăng kiến thức bán hàng, thanh toán trực tuyến trên nền tảng số; đẩy mạnh số lượng người truy cập và hoạt động trên sàn thương mại điện tử từ 15-20%.
Để triển khai có hiệu quả mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An phân công Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch truyền thông đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thu thập dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp, phân loại hộ, xác định các nhóm đối tượng theo quy mô và nhóm sản phẩm; số hóa dữ liệu. Đồng thời, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, xây dựng trở thành sản phẩm mũi nhọn bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử, quy trình, môi trường nuôi trồng và các câu chuyện xoay quanh sản phẩm như văn hóa, lịch sử, tính năng sản phẩm... để tổ chức truyền thông lan tỏa.
Các doanh nghiệp bưu chính tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các kiến thức về thương mại điện tử cho các hộ sản xuất; hỗ trợ kích hoạt tài khoản trên sàn thương mại điện tử và tài khoản thanh toán trực tuyến cho các hộ có nhu cầu đưa các sản phẩm đủ điều kiện, có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, các sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận như OCOP, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO... lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ khách hàng tìm kiếm thông tin, tham gia trải nghiệm, mua bán các sản phẩm nông nghiệp Nghệ An trên sàn thương mại điện tử.
Minh Thu
Bình luận