Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ ba, 19/04/2022 20:04
TMO - Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, qua đó đã mang lại hiệu quả trong canh tác nông nghiệp so với phương thức tưới truyền thống.
Tỉnh Thanh Hóa có gần 800.000 đất thuộc vùng trung du, miền núi, đa phần diện tích này đều khó khăn về nguồn nước tưới. Do đó, thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy công nghệ này như: hỗ trợ 200 triệu đồng/km để kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng ở khu vực miền núi; hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới mía mặt ruộng 15 triệu đồng/ha; hỗ trợ kinh phí 1 lần đầu tư xây dựng nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn 50.000 đồng/m2.
Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công để triển khai xây dựng các công trình hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp... Nhờ đó, tính đến tháng 2-2022, diện tích cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tưới tiên tiến, tiết kiệm toàn tỉnh đạt hơn 2.600 ha. Trong đó, có hơn 63% là các mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, còn lại là công nghệ, thiết bị tưới có xuất xứ Israel và sản xuất trong nước thông qua cải tiến, tích hợp công nghệ của nước ngoài.
Nhiều diện tích trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa áp dụng mô hình tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước
Với địa hình đa dạng, huyện Thường Xuân có khoảng 8.900 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 70% là diện tích đất đồi, núi. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, trên địa bàn huyện thời gian qua có nhiều mô hình áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm cho hiệu quả cao như: mô hình tưới nhỏ giọt cho dưa Kim Hoàng hậu trồng trong nhà lưới tại các xã Thọ Thanh, Xuân Dương, Luận Thành; mô hình tưới mía mặt ruộng tại xã Thọ Thanh...
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp tăng năng suất cây trồng cạn trung bình từ 10% - 30% tùy theo từng loại cây trồng, giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc từ 20% - 50%. Công nghệ này cũng tiết kiệm từ 20% - 40% lượng nước so với phương thức tưới truyền thống, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm nhờ giảm từ 5% - 30% lượng phân bón trong quá trình canh tác. Thu nhập của người dân, doanh nghiệp tăng 10% - 50% so với không áp dụng công nghệ...
Nhiều diện tích trồng thanh long tại huyện Như Xuân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước
Bên cạnh đó, dưới tác động bất thường của thời tiết như hạn hán, nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại... việc áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ít bị ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Nhất là khi người sản xuất thực hiện tưới tiên tiến, tiết kiệm nước kết hợp với biện pháp nhà màng, nhà lưới.
Về mặt môi trường, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước sẽ giảm ô nhiễm nhờ sử dụng hợp lý và tiết kiệm phân bón trong quá trình canh tác, hạn chế cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngầm do khai thác quá mức cho phép,... góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Hồng Hạnh
Bình luận