Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ tư, 21/12/2022 08:12
TMO - Thời gian qua, để đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai công tác thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản.
Cụ thể, Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội đã triển khai vận hành “ Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn). Hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.275 cơ sở với 12.286 bộ mã truy xuất nguồn gốc lên hệ thống. Trong đó, có sản phẩm của 48 tỉnh, thành phố trên cả nước liên kết trong hệ thống với 2.024 sản phẩm của 457 cơ sở. Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc này sẽ giúp doanh nghiệp cùng với người tiêu dùng ngăn chặn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trên thị trường. Qua đó, người sản xuất và doanh nghiệp phân phối thực phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển thực phẩm
Đồng thời, Sở NN&PTNT thành phố cũng duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông lâm sản nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp trên địa bàn Thành phố (gis.chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn).Duy trì và mở rộng Hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản, (tucongbo.sonnptnt.hanoi.gov.vn). Xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
Ngành Nông nghiệp thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan phát triển, quản lý “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện, tích hợp, kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; tiếp tục tham mưu thành phố để có cơ chế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có truy xuất tham gia hệ thống. Bên cạnh đó là thúc đẩy địa phương hỗ trợ thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QR cho các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động về truy xuất nguồn gốc…
Ngoài ra, theo Kế hoạch về thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030”, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Thành phố theo hướng thống nhất, chuẩn hóa từ địa phương đến Trung ương; tạo lập cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc mang tính hệ thống, công khai, minh bạch; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng; phù hợp với xu hướng phát triển về truy xuất nguồn gốc trên thế giới và trình độ phát triển công nghệ hiện nay trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2021-2025), Thành phố sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, mã số, mã vạch cho khoảng 1.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã và 50% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nhu cầu xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố.
Trong giai đoạn này, Thành phố phấn đấu có 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, thuốc chữa bệnh; sản phẩm, hàng hóa chủ lực, trọng điểm, ưu tiên, đặc trưng trên địa bàn Thành phố sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Giai đoạn 2 (2026-2030), Thành phố sẽ đào tạo, tập huấn kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch cho cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp tăng ít nhất 50% so với giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Thành phố bảo đảm nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Thu Hà
Bình luận