Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ tư, 28/12/2022 07:12
TMO - Hải Phòng là thành phố hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú cả về tự nhiên và văn hóa, cùng các địa điểm du lịch sinh thái và di tích lịch sử. Việc ứng dụng công nghệ số trong ngành du lịch là xu thế tất yếu trong thời công nghệ 4.0, giúp ngành du lịch địa phương này khai thác hiệu quả hơn các giá trị trên môi trường số.
Thời gian qua, Sở Du lịch Hải Phòng đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động cải cách hành chính. Cụ thể, nâng cấp thủ tục hành chính đối với việc công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 1-3 sao với cơ sở lưu trú du lịch từ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa từ 5 ngày làm việc xuống còn 4 ngày làm việc; giảm thời gian thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa trong trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc.
Năm 2022 cũng đánh dấu bước đột phá của ngành du lịch Hải Phòng khi ngành Du lịch địa phương này cho ra mắt bản đồ số Hải Phòng City Tour, Sàn giao dịch du lịch trực tuyến và phát động chiến dịch quảng bá #HelloHaiPhong trên nền tảng TikTok với tên chính thức “Haiphongtourismofficial”. Đây được cho là một bước mở rộng hoạt động quảng bá du lịch trên các nền tảng số, trong chương trình, phạm vi chuyển đổi số thuộc lĩnh vực du lịch.
Hải Phòng thực hiện gắn mã QR biển tên đường, phố, công trình công cộng
Mới đây, thực hiện Kế hoạch 244/KH-UBND thành phố Hải Phòng đã triển khai gắn mã mã hóa, dán, gắn mã QR tại nhiều tuyến đường, phố, công trình công cộng tại các quận, huyện. Sau khi các biển nói trên được gắn mã QR, người dân và khách du lịch chỉ cần mở camera điện thoại thông minh quét mã QR sẽ biết được thông tin về tiểu sử danh nhân, danh thắng, di tích hoặc nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa gắn với tuyến đường, công trình được đặt tên, góp phần tạo thêm điểm nhấn du lịch, tạo điều kiện cho nhân dân thành phố, du khách trong và ngoài nước.
Việc gắn mã QR được thực hiện theo từng đợt, chia thành 02 giai đoạn, cụ thể Giai đoạn 1 triển khai trong năm 2022, thực hiện sưu tập, biên soạn thông tin về tiểu sử Danh nhân hoặc nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa tên đặt cho 450 tuyến đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Thực hiện chuyển thông tin về tiểu sử danh nhân hoặc nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa tên đặt cho 450 tuyến đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố sang mã QR. Triển khai in và dán mã QR trên 450 tuyến đường, phố, công trình công cộng (đã có) trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Giai đoạn 02, triển khai từ năm 2023-2025, căn cứ tình hình thực tiễn, hiệu quả từ công tác gắn mã QR tại 450 tuyến đường, phố, công trình công cộng giai đoạn 1 và nhu cầu tìm hiểu của nhân dân và du khách đối với các thông tin về tên đặt, trường hợp cần thiết, tiếp tục triển khai cập nhật, bổ sung các thông tin tại mã QR về các tuyến đường, phố, công trình công cộng trên và các công trình được thành phố đặt tên trong thời gian tới. Trong đó, hướng đến việc chuyển ngữ các thông tin được mã hóa sang tiếng: Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Đồng thời, bổ sung các thông tin (chữ viết, hình ảnh) về các địa điểm văn hóa có giá trị; các điểm du lịch, dịch vụ du lịch, thương mại quan trọng thuộc các tuyến đường, phố, công trình công cộng trên qua nhiều thứ tiếng như: Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…để phục vụ du khách quốc tế. Hải Phòng là địa phương thứ hai trên cả nước, sau TP Hồ Chí Minh, thực hiện hoạt động này.
Thu Anh
Bình luận