Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 19:01
Thứ tư, 07/08/2024 08:08
TMO - Ứng dụng công nghệ số trở thành điểm quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời là biện pháp để các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thay đổi tư duy quản lý, tìm kiếm thêm giải pháp tiếp cận với khách hàng, hướng tới xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch thông minh.
Lạng Sơn có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để ngành du lịch tỉnh có thể khai thác và phát triển du lịch một cách bền vững. Tiềm năng du lịch Lạng Sơn không chỉ dừng lại ở những di tích và danh lam thắng cảnh mà còn ở nét đẹp văn hóa độc đáo của 7 dân tộc chính trên địa bàn. Sự đa dạng về dân tộc tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú với những phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực độc đáo riêng biệt. Hiện cả tỉnh có 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
Để xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, ngành du lịch tỉnh Lạng Sơn đã đặc biệt chú trọng công nghệ số hướng tới phát triển du lịch thông minh. Cụ thể, tỉnh Lạng Sơn đã đưa vào hoạt động hệ thống du lịch thông minh từ tháng 12/2022. Hệ thống gồm Cổng thông tin du lịch với trang thông tin điện tử tổng hợp langsontourism.com.vn và ứng dụng du lịch thông minh Lạng Sơn trên thiết bị di động có tên "Lang Son Tourism". Bên cạnh đó là các website và trang thông tin, kênh thông tin trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, youtube, zalo, tiktok....
Để xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu cho hệ thống, ngay từ năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lạng Sơn đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trên địa bàn với 3.440 hiện vật, tư liệu, tài liệu được cập nhật đầy đủ thông tin trên phần mềm. Đồng thời, Sở đã thành lập Trung tâm Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể lưu trữ khoảng 60 phim và gần 5.000 ảnh tư liệu về văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Những cơ sở dữ liệu trên là nguồn tài nguyên quý giá cho việc phát triển hệ thống du lịch thông minh của tỉnh.
Không chỉ từng bước phát triển cơ sở dữ liệu cho hệ thống, việc ứng dụng công nghệ số trong tạo lập điểm đến thông minh cũng được quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả trải nghiệm du lịch cho du khách. Lãnh đạo Sở VHTT&DL cho biết, xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thời gian qua, Sở tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch. Đặc biệt là xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025, sở đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung vào việc số hóa 3D cho các điểm du lịch trên địa bàn.
Du khách quét mã QR để tìm hiểu thông tin về di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, Sở còn phối hợp với Tỉnh đoàn Lạng Sơn tổng hợp những bài thuyết minh thành dữ liệu số, tích hợp trong mã QR. Hiện nay, toàn tỉnh có 30 điểm di tích, di tích cách mạng được trang bị bảng quét mã QR. Mọi thông tin được mã hóa trong mã QR đều đảm bảo chuẩn xác, có sự kiểm tra, thẩm định của Ban Quản lý di tích tỉnh và các huyện, thành phố.
Cùng với sự tích cực của Sở VHTT&DL, Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố cùng các đơn vị trực thuộc Sở VHTT&DL cũng tích cực triển khai, ứng dụng công nghệ số vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch tại địa phương.
Đơn cử tại TP.Lạng Sơn, theo đại diện Phòng Văn hoá - Thông tin TP cho hay, từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã đã phối hợp xây dựng xong hình thức thuyết minh tự động theo công nghệ 360 độ tại điểm du lịch chùa Tam Thanh. Ngoài ra TP.Lạng Sơn còn tiếp tục xây dựng mô hình này tại 7 điểm du lịch là di tích khác, 100% các điểm di tích cũng đang được lắp đặt mã QR, 10 huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều đã triển khai mô hình gắn mã QR tại các tuyến đường, phố, công trình công cộng, khu di tích danh thắng. Tạo thuận lợi cho người dân, du khách dễ dàng tra cứu thông tin khi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, tìm địa điểm cần đến.
Cùng với các huyện, thành phố, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cũng có nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thúc đẩy du lịch. Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cho biết, trung tâm đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu chung tích hợp vào cổng du lịch thông minh của tỉnh, đồng thời nâng cấp website, cập nhật giao diện mới, đồng thời triển khai số hóa các điểm di tích bằng công nghệ giao diện 360 độ... Hoạt động xúc tiến, quảng bá trên các nền tảng, ứng dụng tập trung vào việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng các video clip, ấn phẩm du lịch, tin bài, phóng sự, đoạn phim ngắn và phát trực tiếp các chương trình du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn còn mời những người có ảnh hưởng trên các trang mạng xã hội như Facebook, tiktok, youtube để xây dựng video… quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Lạng Sơn. Website langsontourism.com.vn được vận hành chính thức và tương đối ổn định với các thông tin, dữ liệu về du lịch Lạng Sơn thường xuyên được bổ sung, cập nhật về hệ thống lưu trú, điểm mua sắm, điểm ăn uống. Tính đến nay, sau hơn 1 năm hoạt động, hệ thống đang tích hợp 21 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã được số hóa 3D bằng 3 ngôn ngữ: Việt - Anh – Trung; 47 điểm du lịch, 76 điểm mua sắm, 245 điểm lưu trú, 270 điểm ẩm thực, 45 điểm giải trí thu hút trên 5 triệu lượt truy cập, tìm kiếm thông tin.
Để thúc đẩy du lịch phát triển, Lạng Sơn đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Tỉnh Lạng Sơn đã tập trung tạo dựng nền tảng cho chuyển đổi số ngành du lịch. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương này phát triển du lịch bền vững hướng tới hình thành du lịch thông minh.
Quỳnh Anh
Bình luận