Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ bảy, 08/06/2024 07:06
TMO - Để sản phẩm cà phê tiếp tục vươn đến thị trường xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ cao để nâng tầm giá trị cà phê đang được các ngành chức năng cũng như người dân của tỉnh tập trung triển khai.
Đắk Nông có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 378.000 ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên. Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt trên 86.000 ha, cây lâu năm khoảng 235.000 ha. Đây là một trong những yếu tố rất thuận lợi để Đắk Nông phát huy tiềm năng đất đai trong phát triển nông nghiệp giúp đời sống người dân ngày một ổn định, thoát nghèo.
Đặc biệt cây cà phê được coi là cây nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đắk Nông, tính đến năm 2023, diện tích cây cà phê tại Đắk Nông đạt 139.932 ha, chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh và 59,6% tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm. Diện tích, sản lượng cà phê của Đắk Nông chiếm trên 18% cả nước, đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên, sau Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Để thúc đẩy ngành hàng cà phê phát triển đột phá, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã tập trung triển khai các dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong quá trình canh tác, sản xuất cà phê. Qua quá trình thực hiện, các dự án đã giúp thay đổi tư duy canh tác về cây nông nghiệp nói chung và cây cà phê nói riêng cho bà con Đắk Nông.
Tiêu biểu như Dự án “Áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại Đắk Nông”. Kết quả của dự án góp phần định hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho người dân. Dự án cũng tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật. Đồng thời, xây dựng các mô hình sử dụng chế phẩm tại địa phương.
Dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Sau khi dự án triển khai đến nay, đa số người dân trồng cà phê và một số nông sản khác của địa phương đã tiếp nhận quy trình và biết cách xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh. Công nghệ đó đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất. Chất lượng sản phẩm nông sản được nâng cao. Nông sản được đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ứng dụng công nghệ trong quá trình trồng cây cà phê giúp tiết kiệm chi phí sản xuất cho bà con nông dân. (Ảnh minh hoạ).
Không chỉ có Dự án “Áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại Đắk Nông” mang lại những kết quả tích cực mà Dự án “Ứng dụng đồng bộ một số tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất, chế biến cà phê theo hướng an toàn, bền vững tại huyện Đắk Mil” cũng mang lại những kết quả rất nổi bật. Dự án đã giúp xây dựng vườn nhân chồi 5 dòng cà phê chọn lọc, bao gồm các dòng TR4, TR9, TR11, TR12, TR13, với diện tích 2.000m2.
Đặc biệt, hàng năm dự án còn bảo đảm cung cấp 200.000 chồi ghép tốt cho người dân trên địa bàn. Dự án xây dựng được 2 vùng mô hình thâm canh cà phê tổng hợp, với diện tích 100ha cà phê vối kinh doanh hiện có, dựa trên việc ứng dụng đồng bộ một số tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, thu hoạch, chế biến. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm cà phê được bảo đảm an toàn, sản xuất bền vững. Đến nay, mô hình đang được người dân nhân rộng.
Cùng với đó, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đang đóng góp nhiều cho sự phát triển cho cây cà phê Đắk Nông. Tiêu biểu như nhiệm vụ “Nghiên cứu, ứng dụng một số giải pháp khoa học, tổng hợp để tái canh sớm cây cà phê tại Đắk Nông”. Nhiệm vụ đã xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng tái canh sớm cây cà phê sau 6-12 tháng phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Dự án thực hiện chuyển giao ứng dụng kỹ thuật quy trình tái canh sớm cây cà phê trên 4 mô hình (1ha/mô hình) tại 2 huyện Đắk Song và Đắk Mil. Các quy trình được người dân đánh giá thực hiện có hiệu quả kỹ thuật cao, phát triển khá tốt, đang được duy trì ổn định và nhân rộng. Trước những hiệu quả từ Dự án mang lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã và đang sử dụng quy trình này tích hợp vào dự thảo quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê vối trên địa bàn tỉnh.
Để đa dạng hóa sản phẩm từ cây cà phê, Đắk Nông triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu tạo sản phẩm hỗ trợ giảm cân từ hạt cà phê xanh và phụ phẩm của quá trình chế biến cà phê, nâng cao giá trị kinh tế tăng thu nhập trong sản xuất cà phê”. Nhiệm vụ được triển khai nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xây dựng mô hình chế biến hạt cà phê xanh sản xuất nguyên liệu. Đồng thời, bào chế thực phẩm bảo vệ sức khỏe có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập trong sản xuất cà phê ở Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Kết quả đã xây dựng được quy trình chiết xuất bột cà phê xanh hàm lượng tổng chlorogenic axit CGAs 50%, bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở và tạo ra 5 kg bột chiết suất cà phê xanh và 100 hộp viên nang hỗ trợ giảm cân, béo phì. Từ nhiệm vụ đã thiết lập được hồ sơ thiết kế hệ thống dây chuyền thiết bị chiết xuất bột cà phê xanh hàm lượng tổng axít chlorogenic CGAs 50% quy mô pilot 10 kg nguyên liệu/mẻ…
Cùng với việc phát triển, nghiên cứu, thực hiện các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cho cây cà phê, tỉnh Đắk Nông còn chú trọng phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ cà phê. Toàn tỉnh hiện có 12 hợp tác xã, 13 doanh nghiệp sản xuất cà phê liên kết với tổng diện tích gần 13.300ha, sản lượng gần 41.000 tấn. Toàn tỉnh cũng có 17 sản phẩm cà phê được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); 15 nhãn hiệu mặt hàng càphê đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Đắk Nông cũng đang thực hiện các bước để xây dựng Chỉ dẫn địa lý cà phê Đắk Nông.
Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng cà phê, tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng cà phê đặc sản của tỉnh đạt khoảng 1.000 ha, sản lượng cà phê nhân đạt chuẩn hơn 500 tấn và đến năm 2030, diện tích là 2.000 ha, sản lượng đạt hơn 1.500 tấn; Phấn đấu diện tích trồng cà phê đặc sản được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý đạt 100% và nông dân tham gia sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức sản xuất truyền thống.
Tỉnh Đắk Nông xác định cà phê là một trong những ngành hàng mũi nhọn và trọng điểm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình canh tác, sản xuất cà phê là hướng đi đúng đắn giúp tỉnh Đắk Nông nâng cao giá trị của ngành hàng này, đồng thời mang lại nguồn kinh tế, thu nhập ổn định cho người trồng cà phê.
Xuân Thanh
Bình luận