Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ tư, 04/01/2023 07:01
TMO - Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh khiến quỹ đất nông nghiệp của TP.HCM đang bị thu hẹp. Trong bối cảnh này, ngành nông nghiệp thành phố đang chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, toàn thành phố hiện có 113.634 ha đất nông nghiệp, chiếm 54,23% tổng diện tích đất tự nhiên; trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao đến nay lên trên 400 ha. Những năm qua, thành phố cũng đã hình thành Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao… Thành phố cũng đã hỗ trợ việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và nhiều quy trình sản xuất công nghệ cao đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả tại các doanh nghiệp, tổ chức và hộ nông dân trên địa bàn thành phố.
UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về phê duyệt Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và các công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
TP.HCM đặt mục tiêu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030 chiếm từ 75% - 85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố
Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030 chiếm từ 75% - 85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; Trên 70% hộ nông dân, trên 80% doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; trên 30% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả doanh nghiệp trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực cây trồng, chăn nuôi và thủy sản.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát triển sản xuất giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng thành phố trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống cây, con chất lượng, năng suất, giá trị cao của khu vực. Đồng thời, phát triển nông thôn mới theo hướng đô thị nông nghiệp công nghệ cao, đô thị văn minh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp kiến nghị thành phố cần hỗ trợ vốn vay để đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Thành phố cần ban hành các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp. Đồng thời, các ngành chức năng liên quan cần tăng cường rà soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa nông sản, cũng như chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp đầu vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Mạnh Linh
Bình luận