Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ bảy, 15/10/2022 05:10
TMO - UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định, xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp, là cơ sở khoa học cho thực hiện xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, gắn với chế biến, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, phục vụ yêu cầu cơ cấu lại sản xuất.
Thanh Hóa là có diện tích đất sản xuất nông - lâm nghiệp đã chiếm 960.000 ha, trong đó có 139.000 ha đất lúa. Trước đây, một số huyện cũng đã chủ động xây dựng được bản đồ nông hóa nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, trong khi các huyện miền núi tiềm năng đất sản xuất lớn nhưng chưa được quan tâm.
Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai của tỉnh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô tập trung, gắn với công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, Sở NN&PTNT phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Môi trường Nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1)” trên địa bàn 9 huyện gồm: Lang Chánh, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Yên Định và Hà Trung.
Theo đó, các đơn vị đã hoàn thành xây dựng bộ bản đồ nông hóa cấp xã tỷ lệ 1/5.000 – 1/10.000 và bản đồ nông hóa 9 huyện tỉ lệ 1/25.000. Nội dung xây dựng bản đồ nông hóa gồm các nhiệm vụ cụ thể như: Điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất các cây trồng nông nghiệp; xây dựng bản đồ nông hóa quy mô cấp xã, tổng hợp lên cấp huyện.
UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo đơn vị nghiên cứu tiếp tục nâng cao hiệu quả của bản đồ nông hóa trong sản xuất nông nghiệp
Đồng thời, xây dựng trang thông tin điện tử phục vụ quản lý cơ sở dữ liệu đất sản xuất cây trồng nông nghiệp và hướng dẫn sử dụng phân bón; đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến (WebGIS) phục vụ quản lý và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; đào tạo, tập huấn, chuyển giao kết quả.
Căn cứ kết quả đánh giá đặc tính nông hóa các vùng điều tra, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ nông hóa cho 165 xã/thị trấn và 9 huyện; bản đồ thích hợp đất đai cho 9 huyện; bản đồ khuyến cáo bón phân cân đối cho các cây trồng của 9 huyện, tỷ lệ 1/25.000, đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho 9 huyện; xây dựng cơ sở dữ liệu (WebGIS) và phần mềm trực tuyến để các ngành, địa phương và người dân thuận lợi tra cứu, tìm hiểu tại Website: đatnongnghiepthanhhoa.com.
UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp tiếp thu tối đa các ý kiến của các địa phương, các đại biểu tại Hội nghị để hoàn thành Báo cáo. Yêu cầu đơn vị soạn thảo cần làm rõ, việc chọn loại cây trồng phải cụ thể, phù hợp cho từng môi trường thổ nhưỡng tại từng địa phương.
Cùng với xây dựng bản đồ cấp huyện, xã; tiếp tục nghiên cứu để xây dựng bản đồ nông hóa đến các thôn/bản. Ngoài phần mềm đã xây dựng, cần có ứng dụng trên điện thoại để tiện ích cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham khảo, nghiên cứu; hướng tới ngành nông nghiệp tuần hoàn.
Bích Phương
Bình luận