Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 14/03/2022 19:03
TMO - Với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Lâm Đồng xác định tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại và bền vững, trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp thông minh của quốc gia.
Thực tế tại Lâm Ðồng cho thấy, thành công của chuyển đổi số là phải có sự hợp tác từ nhiều phía, sự kết nối giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Chuỗi liên kết số được thực hiện từ khâu sản xuất, quản lý đến thương mại. Và trong chuỗi giá trị đó, "nông dân số" là nền tảng quan trọng.
Tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học-công nghệ, thay đổi tư duy đột phá trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần hình thành một thế hệ nông dân kiểu mới trên cao nguyên Lâm Ðồng. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, hàng năm, địa phương dành khoảng 80% kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học lĩnh vực nông nghiệp.
Làng hoa Thái Phiên (TP.Đà Lạt ) là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên tại tỉnh Lâm Đồng vào năm 2017
Những năm gần đây, tỉnh đã phê duyệt 11 chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí 108 tỷ đồng; lồng ghép hơn 20 nghìn tỷ đồng nguồn vốn từ Trung ương và các dự án để tạo nguồn lực phát triển nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, nhập khẩu, thử nghiệm và nhân rộng công nghệ hiện đại của các nước châu Âu, Israel, Thái Lan, Nhật Bản...
Thời gian qua, việc chuyển đổi số hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại tại Lâm Ðồng có bước phát triển mạnh mẽ, giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, chip điện tử theo dõi sức khỏe vật nuôi; giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử…, từ đó đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất rau trong nhà kính với công nghệ thủy canh tại huyện Đơn Dương
Hiện nay, diện tích nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Lâm Ðồng đạt hơn 63,1 nghìn ha, chiếm 21% tổng diện tích canh tác; trong đó, hơn 376 ha ứng dụng công nghệ thông minh. Toàn tỉnh có 60 trang trại (hơn 198 ha) sử dụng công nghệ IoT, ứng dụng quản lý trang trại thông minh; cùng hệ thống sơ chế, phân loại nông sản thông minh dựa trên mầu sắc và kích thước; máy tách mầu trong chế biến trà, cà-phê xuất khẩu; rô-bốt đẩy thức ăn tự động, hệ thống mát-xa tự động trong chăn nuôi bò sữa.
Ðến nay, tỉnh Lâm Ðồng có 13 doanh nghiệp được công nhận "doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao", 7 vùng đạt tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản xuất bình quân nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đạt 430 triệu đồng/ha, chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. UBND tỉnh Lâm Ðồng nhấn mạnh, chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu.
Việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường từ 30 đến 50%. Hiện nay, nông sản Lâm Ðồng đã xuất khẩu qua hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Các trang trại tại Lâm Đồng triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Với nền tảng, thành tựu nông nghiệp thời gian qua, Lâm Ðồng đặt mục tiêu đến năm 2025, có hơn 72,7 nghìn ha ứng dụng công nghệ cao. Trong đó 1.000 ha ứng dụng công nghệ thông minh; ít nhất 5 vùng nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao kiểu mẫu về nông nghiệp thông minh, cảnh quan môi trường, sản xuất nông sản an toàn và liên kết, tiêu thụ sản phẩm; tối thiểu có 10 doanh nghiệp đạt tiêu chí nông nghiệp thông minh.
Để chuyển đổi số nông nghiệp đạt kết quả tốt, Lâm Ðồng tiếp tục hợp tác và đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là khối ngành khoa học-công nghệ, tài chính thông minh; mở rộng hợp tác quốc tế; thu hút doanh nghiệp FDI và có cơ chế, chính sách nhằm tạo đột phá về nông nghiệp thông minh.
Tiến Dũng
Bình luận