Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Chủ nhật, 18/12/2022 05:12
TMO - Thời gian tới, tỉnh Bình Phước hướng đến mục tiêu phát triển hệ thống thương mại tăng về quy mô, đảm bảo việc hỗ trợ, gắn kết giữa sản xuất với thương mại và nhu cầu tiêu dùng của người dân; ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử của tỉnh theo hướng hiện đại, tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước trong giai đoạn đến năm 2030.
Theo Đề án “Phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử (TMĐT) và thương mại biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh Bình Phước sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nhanh thương mại điện tử trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực, dựa trên nền tảng số, công nghệ mới; coi thương mại điện tử là công cụ quan trọng để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại của tỉnh tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước trong giai đoạn tới.
Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển thương mại biên giới; nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới, góp phần phát triển kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất, chế biến, xuất khẩu biên mậu các mặt hàng có giá trị gia tăng, các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh nhằm mở rộng quy mô thương mại.
Qua đó, phát triển hệ thống thương mại tăng về quy mô, đảm bảo việc hỗ trợ, gắn kết giữa sản xuất với thương mại và nhu cầu tiêu dùng của người dân; ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử của tỉnh theo hướng hiện đại, tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước trong giai đoạn đến năm 2030. Đến năm 2025, hàng hóa qua kênh thương mại điện tử chiếm 5% và đến năm 2030 là 10% trên tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tỉnh; hàng hóa qua kênh thương mại hiện đại đến năm 2025 chiếm khoảng 25% và đến năm 2030 chiếm 35% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tỉnh.
UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử
Đặc biệt, thời gian qua địa phương này đã đẩy mạnh đưa sản phẩm nông sản của tỉnh lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các sở ngành liên quan đôn đốc các doanh nghiệp quản lý sàn giao dịch điện tử hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hộ sản xuất nông nghiệp. Xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT: “postmart.vn”, “voso.vn”, “ecombinhphuoc.com.vn” (Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước). Đến nay đã có 54.537 tổ chức, cá nhân có tài khoản mua bán hàng trên sàn “postmart.vn”, “voso.vn” với 1.182 sản phẩm được đăng ký bán; có khoảng 215 đơn vị tham gia sàn “ecombinhphuoc.gov.vn” với 370 sản phẩm đăng ký bán.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở ngành, địa phương, cùng các doanh nghiệp công nghệ số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển TMĐT. Đến nay đã tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT cho đối tượng hộ nông dân, tổ hợp tác, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thành công Phiên chợ không dùng tiền mặt tại thành phố Đồng Xoài năm 2022. Hỗ trợ 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT quốc tế “alibaba.com”; 20 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh trên các sàn TMĐT uy tín trong nước.
Về thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay 100% các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Tại một số chợ lớn như Bình Long, Phước Bình, Đồng Xoài..., các doanh nghiệp công nghệ số, ngân hàng thương mại đã triển khai đến các tiểu thương ứng dụng rộng rãi thanh toán Mobile Money (thanh toán các dịch vụ, chuyển tiền ngay trên điện thoại.
Thanh Hải
Bình luận