Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ tư, 29/06/2022 20:06
TMO - Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Long An đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Long An là địa phương đứng thứ tư khu vực ĐBSCL về sản lượng lúa, với gần 3 triệu tấn/năm. Hiện nay, Long An đã có gần 30.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao, trong đó, trên 11.500ha ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến.
Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp của tỉnh Long An cũng xây dựng những mô hình sản xuất sản xuất lúa hữu cơ, sử dụng giống lúa chất lượng cao và áp dụng quy trình "1 phải, 5 giảm". Theo đó, quy trình này sẽ giúp nông dân tiết kiệm được 50% giống, 40% phân hóa học, 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động; trong khi năng suất tăng 10%, lợi nhuận tăng 10%.
Đối với ngành chăn nuôi, các mô hình nuôi gia cầm an toàn sinh học, nuôi gia súc trên đệm lót sinh học,... trên địa bàn địa phương này cũng đang được khuyến khích vì hiệu quả kinh tế cho nhà nông, hạn chế tác động tiêu cực tới chất lượng môi trường.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, tỉnh Long An có kế hoạch thí điểm mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn huyện này tại ba xã Thanh Phú Long, Thuận Mỹ và Thanh Vĩnh Đông, với tổng diện tích kỳ vọng là 250 ha.
Tỉnh Long An đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Bùi Tùng
Tỉnh Long An cũng đang đẩy mạnh khuyến khích nông dân ở các địa phương thường xuyên chịu hạn, mặn như Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa,... chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang những loại rau màu ngắn ngày, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hướng đến xây dựng nông nghiệp xanh.
Tại chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích ứng dụng CNC, tiên tiến đối với cây lúa là 60.000ha, thanh long 6.000ha, rau 2.000ha , cây chanh 3.000ha , tôm nước lợ 100ha,
Đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC (7 vùng lúa, 1 vùng chanh, 1 vùng thanh long) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, phấn đấu lợi nhuận của người dân trong vùng triển khai chương trình tăng ít nhất 10% so với ngoài vùng.
Hiện nay, tỉnh đã duy trì hơn 1.800 ha trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên kế hoạch 2.000 ha, đạt 90,7% so với kế hoạch phát triển đến năm 2025; cây chanh đã phát triển được 300 ha trên kế hoạch 3.000 ha đến năm 2025; cây thanh long hơn 3.000 ha trên kế hoạch 6.000 ha đến năm 2025.
Nhằm nâng cao thu nhập trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Long An đang rà soát, bổ sung quy hoạch chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GAP; liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai chuyển đổi số như: Ứng dụng phần mềm trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn; quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; quản lý các chỉ dẫn địa lý; áp dụng thiết bị bay không người lái; ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, theo dõi giám sát tự động mực nước, độ mặn; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất chăn nuôi.
Thành Phong
Bình luận