Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ bảy, 15/06/2024 07:06
TMO - Trong những năm gần đây, việc số hoá, ứng dụng công nghệ thông minh đã tạo thành một xu hướng mạnh mẽ có tác động mạnh mẽ đến ngành Du lịch. Do đó TP.HCM đã đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới phát triển du lịch thông minh nhằm thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM, tính riêng doanh thu từ hoạt động lưu trú và ăn uống của TP.HCM trong quý I/2024 ước đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu lưu trú tăng 47,4% do tác động từ ngành du lịch; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 8,1%). Doanh thu từ du lịch lữ hành đạt 8,2 nghìn tỷ đồng, tăng 58,7%. Tổng thu du lịch lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 của TP.HCM ước đạt 44.710 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 23,5% so với kế hoạch năm 2024.
Để tiếp tục thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, TP.HCM đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển ngành du lịch thông minh. Hiện nay, TP tích cực triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ công tin để giữ chân du khách lâu hơn như xây dựng booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo; triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch...
Cụ thể, khi đến với TP.HCM, du khách dễ dàng tìm kiếm các thông tin về du lịch khu vực TP ngay tại Khu B - Công viên 23/9, Quận 1. Điều này tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho du khách bởi ở đây có màn hình chạm thông minh, hiện đại cùng với nhiều ứng dụng hỗ trợ thông tin du lịch hữu ích cho du khách, đặc biệt là người nước ngoài. Du khách có thể tiếp cận miễn phí cẩm nang du lịch, các loại ấn phẩm giới thiệu về du lịch TP Hồ Chí Minh với nhiều thứ tiếng như Anh, Nhật, Nga, Trung...
Cùng với đó, để thu hút khách du lịch hơn, các Bảo tàng tại TP.HCM cũng tích cực đầu tư công nghệ 3D mang tới nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Đơn cử như Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/360 vào giải pháp tham quan thực tế ảo, tương tác thông minh (Virtual Tour). Đây được xem là bảo tàng số đầu tiên tại TP.HCM.
Cùng với đó Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM... cũng đầu tư công nghệ số để làm thành “Chiếc hộp kể chuyện”. Thông qua "Chiếc hộp kể chuyện", du khách ngoài tham quan trực tiếp còn có thể tham quan trực tuyến khi được nghe thuyết minh về điểm đến với những câu chuyện gần gũi và sinh động. Nhờ cách làm trên, lượng du khách đến tham quan các Bảo tàng cũng đã tăng lên và không thấy nhàm chán.
Du khách trải nghiệm bảo tàng 3D và tìm kiếm thông tin trên nền tảng số tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Ảnh: TH.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, để có giải pháp thu hút du khách, Sở đã có Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, TP.HCM tập trung xây dựng hệ thống du lịch thông minh hướng tới các mục tiêu chính như, tiện ích cho du khách, điểm đến thông minh, hệ sinh thái kinh doanh thông minh; chủ động phân tích và dự báo nhu cầu, xu hướng, sở thích nhằm hoạch định phát triển tốt hơn.
Ngoài ra, ngành du lịch TP.HCM còn phát triển hệ thống tích hợp thông tin dịch vụ du lịch thành phố (hệ thống lắng nghe, phân tích ý kiến trên mạng xã hội - Social listening); xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch với bản đồ số du lịch, di sản và sản phẩm du lịch, dịch vụ mua sắm, hành vi du khách… Đến nay, 366 tài nguyên du lịch TP.HCM đã được cập nhật lên nền tảng Google Earth và Google Map. Các sản phẩm còn được lên sàn giao dịch thương mại điện tử …để du khách, người dân tìm hiểu, tham khảo.
Hiện nay, TP.HCM đang xây dựng trung tâm du lịch thông minh để tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp lãnh đạo các cấp giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể. Ðây là một thành phần của hệ thống trung tâm điều hành thành phố thông minh; trung tâm sẽ hỗ trợ du khách tiếp nhận, xử lý những kiến nghị, phản ánh của du khách, giúp du khách có những trải nghiệm tốt nhất..
Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn, UBND 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức cập nhật vị trí, thông tin, hình ảnh các địa điểm phục vụ, hỗ trợ khách du lịch như đồn công an, trạm y tế, siêu thị mini, nhà vệ sinh công cộng lên nền tảng Google Maps; cập nhật dữ liệu về văn hóa và nghệ thuật các địa điểm nổi tiếng lên nền tảng Google Art & Culture. Bên cạnh đó, ngành du lịch TP.HCM sẽ phối hợp với các công ty công nghệ triển khai kết nối dữ liệu khi các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch được hoàn thành.
TP.HCM đặt mục tiêu năm 2024 sẽ đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu du lịch ước đạt 190 nghìn tỷ đồng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch được coi là giải pháp và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp xu hướng mới để tạo thuận tiện cho du khách đến tham quan không chỉ với TP.HCM, mà còn quan trọng với cả nước trong thời đại phát triển công nghệ số hiện nay. Du lịch là một ngành công nghiệp mũi nhọn, được chú trọng đầu tư tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Nguyễn Ngọc
Bình luận