Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 11:01
Chủ nhật, 10/09/2023 07:09
TMO - Tỉnh Sơn La đã hình thành được các vùng nguyên liệu với khối lượng hàng hoá nông sản lớn, đa dạng, chất lượng, gắn các cơ sở chế biến. Thời gian tới, địa phương này tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.
Sơn La đã trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước, điển hình là phát triển trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh ước đạt trên 84.000 ha với sản lượng ước đạt gần 450.000 tấn, trong đó có một số sản phẩm nông sản có sản lượng rất lớn như: tinh bột sắn, ngô, cà phê, chè, mận, xoài, nhãn… Xác định tầm quan trọng và vai trò ý nghĩa đặc biệt của doanh nghiệp cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Sơn La đã ban hành các cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên môi trường.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Sơn La, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2022 của Sơn La tăng trung bình 11.6%/năm (vượt mục tiêu là 9,5% /năm). Năm 2022, Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản theo giá so sánh năm 2010 đạt 4.667 tỷ đồng tăng 11,3% so với năm 2022 (mục tiêu đến năm 2025 đạt 6.500 tỷ đồng).
Giai đoạn 2021-2023 đã tăng cường thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản, cấp chủ trương đầu tư mới cho 05 dự án đầu tư (so với mục tiêu đến năm 2025 thu hút thêm 9 nhà máy). Giá trị hàng nông sản chế biến tham gia xuất khẩu giai đoạn 2021-2022 tăng bình quân trên 8%/năm (mục tiêu là tăng 12%/năm). Năm 2022 giá trị hàng hoá nông sản tham gia xuất khẩu đạt 149,63 triệu USD, chiếm 91,7% giá trị nông sản thực phẩm tham gia xuất khẩu năm 2022 (mục tiêu đến năm 2025 đạt 166.627 nghìn USD).
Tỉnh Sơn La khuyến khích đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến rau quả. Ảnh: NY.
Ngành công nghiệp chế biến rau, quả là một ngành quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến nông sản. Góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ các loại sản phẩm trong nông nghiệp, đặc biệt là rau quả, một mặt hàng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả chất lượng cao, Sơn La hiện có trên 83.000ha cây ăn quả, sơn tra, sản lượng ước đạt trên 450.000 tấn. Việc xây dựng Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La là dự án phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Đến nay, Trung tâm chế biến rau, quả xuất khẩu Doveco đã cơ bản hoàn thiện nhà máy chế biến (sẽ khánh thành đưa vào vận hành 4 dây chuyền sản xuất vào tháng 5/2023); đã phát triển được vùng nguyên liệu đủ phục vụ cho nhà máy với tổng diện tích vùng nguyên liệu trên 1.539ha, trong đó: Dứa 418,88 ha; Chanh leo 758,16 ha; Ngô ngọt 280,2 ha; Đậu tương rau 76,5 ha; Rau chân vịt 6,2 ha. Tổng sản lượng các loại cây trồng trong vùng nguyên liệu đã thu hoạch đạt trên 8.973 tấn, trong đó: Dứa 1.928,7 tấn; Chanh leo 5.384,1 tấn; Ngô ngọt 1.403,8 tấn; Đậu tương rau 255 tấn; Rau chân vịt 1,6 tấn.
Về chế biến cà phê, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác diện tích cà phê hiện có. Đến nay diện tích cà phê toàn tỉnh là 19.289 ha, sản lượng ước đạt trên 31.000 tấn (cà phê nhân) trong đó có 18.429,5 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương; 02 vùng trồng cà phê được UBND tỉnh công nhận vùng trồng ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường các giải pháp xử lý môi trường đối với các cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình; các cơ sở đã đầu tư xây dựng các hồ chứa chất thải và bể biogas để thực hiện lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chế biến. Các cơ sở chế biến cà phê đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và sử dụng hiệu quả các sản phẩm phụ để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ phát triển cây trồng; thu hút đầu tư mới Nhà máy phân bón Sông Lam tại Mai Sơn chế biến phân bón từ bã, vỏ cà phê.
Tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp (đang lựa chọn nhà đầu tư cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ tại Thành phố) và thu hút các dự án chế biến cà phê vào trong khu, cụm công nghiệp. Thu hút đầu tư mới 01 nhà máy chế biến cà phê của Công ty CP chế biến cà phê Sơn La tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn với công suất 50.000 tấn quả tươi/năm. Tổng sản lượng cà phê nhân trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đạt 500 tấn. Sản lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 15.300 tấn với giá trị tham gia xuất khẩu đạt 38,3 triệu USD; các thị trường chủ yếu gồm: EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN.
Đối với phát triển công nghiệp chế biến chè, 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn toàn tỉnh phát triển ổn định diện tích trồng chè, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thâm canh vùng nguyên liệu chè nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hỗ trợ xây dựng vùng chè ứng dụng công nghệ cao (Vùng sản xuất chè của Vinatea Mộc Châu). Tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở chế biến chè hiện có, nâng cấp, đổi mới công nghệ, đầu tư chế biến sâu và đa dạng sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị xuất khẩu. Hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thu hút nhà máy chế biến sâu các sản phẩm chè của Vinatea tại Mộc Châu. Từng bước phát triển các cơ sở chế biến chè thủ công mang tính truyền thống tạo ra sản phẩm chè đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Chè Tà Xùa, Shan tuyết... 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng chè sơ chế, chế biến đạt 4.500 tấn; Sản lượng chè tham gia xuất khẩu đạt 4.300 tấn, với giá trị hơn 10,52 triệu USD.
Xây dựng các vùng nguyên liệu chè đạt chuẩn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến chè được địa phương này chú trọng. Ảnh: HT.
Đối với sản xuất đường, diện tích trồng mía ổn định, tăng cường thâm canh, ứng dụng giống mới để tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng mía. Công ty CP mía đường Sơn La triển khai đầu tư nâng công suất dây chuyền chế biến đường ổn định 5.000 tấn mía/ngày, đồng thời tận dụng nguồn bã mía trong quá trình sản xuất đường làm nguyên liệu cho nhà máy điện sinh khối với công suất 9MW. Sản lượng đường 6 tháng đầu năm 2023 đạt 53.500 tấn. Sản lượng tinh bột sắn 6 tháng đầu năm đạt 33.500 tấn; Sản lượng sắn tham gia xuất khẩu đạt 57.500 tấn (trong đó 33.500 tấn tinh bột sắn) với giá trị 22,87 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc.
Tiếp tục mở rộng công nghiệp chế biến nông sản, ngày 21/01/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu phấn đấu thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp; nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với trên 50% các cơ sở chế biến nông sản hiện có; tại các huyện, thành phố có ít nhất 1 cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu của tỉnh đạt 166 triệu USD, tăng 78% so với năm 2020, tốc độ tăng bình quân 12%/năm.
Lê Hồng
Bình luận