Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ tư, 27/09/2023 07:09
TMO - Hoạt động sản xuất công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là ngành sản xuất tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nếu các đơn vị, doanh nghiệp không triển khai hiệu quả giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp ở nước ta đang gặp nhiều thách thức. Đó là sự thiếu hợp lý trong quy hoạch các cụm, khu công nghiệp; khó khăn trong quản lý, xử lý chất thải phát sinh; khó khăn trong quản lý các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao…Đáng chú ý, các sự cố môi trường tiếp tục gia tăng, nhiều vụ ảnh hưởng trên phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý và khắc phục hậu quả.
Trong thời gian qua, xuất hiện nhiều điểm nóng về môi trường, nhất là các khu vực tập trung cho sản xuất công nghiệp và thương mại, một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực trạng trên là do hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường còn có chồng chéo và bất cập. Bên cạnh đó, năng lực quản lý nhà nước về môi trường của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Mô hình tổ chức cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường từ Trung ương xuống đến địa phương còn bất cập và hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý đối với một số lĩnh vực lớn, phức tạp, nhạy cảm đang gia tăng hiện nay.
Hoạt động máy phun sương cao áp dập bụi tại khu vực kho than tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: PT.
Là địa bàn có hoạt động khai thác than lớn nhất cả nước, Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường. Theo đó, TKV đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng những công trình băng tải giảm thiểu bụi, tiếng ồn; các hoạt động vận chuyển than được thực hiện trên các tuyến đường chuyên dụng theo quy định, không vận chuyển trên các tuyến quốc lộ. Các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử để đo điện năng tiêu thụ độc lập của hệ thống lọc bụi tĩnh điện. Một số đơn vị đã và đang đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, chuyển đổi từ dầu FO sang dầu DO; đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý khí bụi…
Hiện nay, 6/6 KCN trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, 4/5 CCN đã có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong KCN đều xây dựng, bố trí kho lưu trữ chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom xử lý theo quy định hiện hành. Đặc biệt tỉnh, các doanh nghiệp đã đầu tư, quản lý và vận hành ổn định hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động trên địa bàn. Đến nay, 167 trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hoạt động liên tục, chuyển tải trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nằm ở trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, tỉnh Bình Dương có số lượng lớn các khu công nghiệp. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bình Dương được xếp hạng là địa bàn hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 tại Việt Nam (sau Thành phố Hồ Chí Minh) thu hút được 4.041 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 39,4 tỷ USD. Với tổng diện tích hơn 12.662 ha, trong đó có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, có thể thấy, quỹ đất hiện tại của các khu công nghiệp tại Bình Dương đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao.
Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết, các dự án trong KCN đã bắt đầu áp dụng những giải pháp sử dụng năng lượng sạch (năng lượng mặt trời áp mái, khí CNG thay than), sinh khối (biomass: Mùn cưa, viên nén trấu...) trong sản xuất, hay tuần hoàn tái sử dụng chất thải trong sản xuất. Hiện tỉnh cũng đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu triển khai thí điểm chuyển đổi KCN Bàu Bàng thành KCN sinh thái. Kết quả nghiên cứu này sẽ là tiền đề để chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái, cũng như đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Dương hướng tới mục tiêu tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch; dành tối thiểu 25% diện tích khu công nghiệp cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung; có giải pháp bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động… Ngoài ra, cần bổ sung chính sách ưu đãi cho các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái… để khuyến khích doanh nghiệp và địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai, hưởng ứng việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Quản lý chất thải công nghiệp, ưu tiên nhà đầu tư "xanh" là một trong những giải pháp được tỉnh Long An thực hiện nhằm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Toàn tỉnh có 34 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích trên 9.250 ha, liên tục đón các dự án đầu tư mới. Chỉ tính riêng trong tháng 8, tỉnh này đón thêm 18 dự án. 11 trong số đó là vốn FDI. Công nghiệp phát triển nhanh đòi hỏi Long An có nhiều biện pháp quản lý, giám sát, giải quyết các bài toán về môi trường.
Công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường tại các KCN được tỉnh Long An đẩy mạnh triển khai.
Tỉnh Long An hiện có danh mục các ngành nghề khuyến khích đầu tư hoặc tiếp nhận đầu tư có điều kiện. Sở TN&MT địa phương này cho biết, tỉnh ưu tiên những ngành nghề công nghệ trung bình, tiên tiến trở lên để giảm phát thải. Quan điểm của tỉnh là kiên quyết không tiếp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm. Đề án phát triển nhanh và bền vững của Long An đến 2030 đặt mục tiêu toàn bộ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. 100% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Bảo vệ môi trường trường trong sản xuất công nghiệp đòi hỏi tập trung, kiên trì, do vậy thời gian tới Bộ Công Thương luôn bám sát và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, phòng ngừa các sự cố, rủi ro môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành Công Thương.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật, bao gồm các nội dung về phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, phát triển kinh tế tuần hoàn và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động bảo vệ môi trường khác. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT trong quá trình rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai.
Tới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ về nôi dung Hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đây là nội dung quan trọng đặc biệt đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất trong công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tiếp theo. Để giải quyết vấn đề môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, phương thức quản lý để phát triển các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đối với doanh nghiệp, Nhà nước sớm đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, mặt khác đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Nguyễn Loan
Bình luận