Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 29/11/2024 10:11
Thứ bảy, 29/06/2024 13:06
TMO - Xây dựng nông thôn mới thông minh góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân cũng như hiện đại hóa bộ mặt của nông thôn. Do đó huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh, giúp người dân tiếp cận với những nền tảng hiện đại.
Năm 2022, xã Vũ Di (huyện Vĩnh Tường) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Đây là nền tảng vững chắc để xã Vũ Di tiếp tục phấn đấu xây dựng xã Nông thôn mới thông minh, nông thôn mới kiểu mẫu.
Do đó, ngay từ năm 2023, thôn Vũ Di, xã Vũ Di đã được lựa chọn thực hiện thí điểm xây dựng mô hình thôn nông thôn mới thông minh. Sau một thời gian triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến nay, thôn Vũ Di đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Toàn thôn Vũ Di hiện có trên 580 hộ với gần 1700 khẩu, 70% người dân sản xuất nông nghiệp, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao. Hầu hết các gia đình trong thôn đều có ít nhất 1 điện thoại thông minh, các gia đình đều lắp đặt mạng internet tốc độ cao. Bên cạnh đó để kết nối người dân trong thôn, tổ công nghệ số cộng đồng của thôn Vũ Di đã cập nhật, tạo lập các trang mạng xã hội như zalo, facebook để cung cấp thông tin nhanh chóng đến người dân.
Diện mạo nông thôn mới của xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) ngày càng khang trang và có nhiều khởi sắc. Ảnh: BVP.
Đồng thời để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho người dân, Ban vận động xây dựng Mô hình thôn thông minh thôn Vũ Di đã và đang triển khai hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể đăng ký tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như Postmart.vn, agri-postmart.vn... để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. 100% người dân trong thôn có sổ khám chữa bệnh điện tử; trên 96% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh trong đó tích hợp nhiều ứng dụng. 80,5% người trưởng thành có tài khoản thanh toán trực tuyến, thanh toán các dịch vụ thiết yếu như thanh toán tiền điện hàng tháng, đóng học phí của học sinh...
Thôn đã lắp đặt xong hệ thống camera an ninh giám sát tại các tuyến đường trục chính để quản lý trật tự an toàn xã hội và hệ thống điện chiếu sáng ứng dụng công nghệ số để bật, tắt tự động. Không chỉ vậy, người dân trong thôn còn tích cực áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong việc quảng bá các sản phẩm. Người dân đã tự lập các trang trên mạng xã hội, tự đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ ứng dụng nền tảng số, sản phẩm của người dân trên thôn Vũ Di đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, số lượng đơn đặt hàng cũng tăng theo.
Lãnh đạo UBND xã Vũ Di cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã làm thay đổi diện mạo xã Vũ Di, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng từ điện, đường, trường, trạm, đến phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình thôn thông minh tại thôn Vũ Di làm cho bộ mặt nông thôn có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Người dân phấn khởi tin tưởng và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền.
Xây dựng nông thôn mới thông minh trên nền tảng số không chỉ được thôn Vũ Di, xã Vũ Di tích cực đẩy mạnh, mà thời gian qua tại thôn Thụ Ích 2, xã Liên Châu (huyện Vĩnh Tường) cũng nhanh chóng áp dụng vào đời sống sinh hoạt hằng ngày. Cụ thể, Ban quản lý thôn Thụ Ích 2 đã sử dụng nhóm Zalo để thông báo thông tin quan trọng giúp người dân kịp thời nắm bắt. Nhiều tiện ích thiết thực đã được thể hiện trong cuộc sống, được bà con ủng hộ, đây là điều kiện cần thiết để hướng tới xây dựng thôn nông thôn mới thông minh.
Người dân sử dụng mã QR để thanh toán thay vì dùng tiền mặt. Ảnh: BVP.
Hay tại các quầy hàng từ điện máy, hàng gia dụng, tạp hóa đến các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả… đều có bảng quét mã QR. Người mua hàng thay vì dùng tiền mặt chỉ cần quét mã qua điện thoại là có thể thanh toán dễ dàng, nhanh chóng. Không dừng lại ở đó, việc triển khai xây dựng thôn nông thôn mới thông minh còn góp phần không nhỏ vào đổi thay ở nhiều mặt đời sống của người dân trên địa bàn thôn Thụ Ích 2.
Đến nay, 100% hộ dân trong thôn đã được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số, xác định vị trí tọa độ trên GPS để kết hợp với các dịch vụ tiện ích khác như bản đồ dịch tễ, bản đồ vùng an toàn dịch bệnh, bản đồ du lịch, bản đồ giáo dục… 100% cán bộ thôn có ứng dụng các nền tảng số qua Zalo để thực hiện công tác truyền thông cung cấp thông tin cho người dân trong xã và giao tiếp, tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Nhà văn hóa thôn được lắp đặt mạng wifi miễn phí; các địa điểm công cộng và các hộ dân cũng phủ sóng 3G, 4G. Trong thôn có trên 90% hộ dân theo độ tuổi lao động đã có điện thoại thông minh; trên 80% người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử để thực hiện việc chuyển, rút tiền từ tài khoản, nộp tiền học phí, thanh toán tiền điện, nước sinh hoạt, mua bán hàng trực tuyến, thanh toán lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; trên 87% người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử...
Lãnh đạo UBND xã Liên Châu cho biết, mô hình thôn nông thôn mới thông minh là xu thế tất yếu của thời đại 4.0, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Hiện nay toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 177 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 thôn thông minh; 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu trong năm 2024 toàn tỉnh có 27 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn thông minh; 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ trong đời sống hằng ngày của từng người dân, từng thôn xã trên địa huyện Vĩnh Tường nói riêng và toàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung cho thấy mong muốn của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới xây dựng nông thôn thông minh trên địa bàn toàn tỉnh.
Lê Bình
Bình luận