Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ năm, 03/11/2022 04:11
TMO - Chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh đang trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, giúp các đô thị chống lại những vấn đề về phát triển đô thị ngày nay như: Ô nhiễm, suy thoái môi trường, vấn đề tội phạm, ùn tắc giao thông, dịch vụ kém hiệu quả và đình trệ phát triển kinh tế…
Tại Việt Nam, xây dựng và phát triển đô thị thông minh được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khẳng định: Phát triển đô thị thông minh là một trong những xu hướng tất yếu.
Theo đó, để phát triển đô thị thông minh cần tập trung vào ba yếu tố quan trọng, bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa và dữ liệu mở. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.
Về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, có khoảng gần 40 tỉnh, thành phố đã triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị.
Về công bố công khai quy hoạch, tra cứu thông tin quy hoạch và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển đô thị đô thị thông minh, Bộ Xây dựng đánh giá: Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu đô thị trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị đã được áp dụng tại khoảng 43 thành phố/thị xã ở các địa phương (trong số đó có 38 Sở Xây dựng). Về chuyển đổi số hiện nay cho thấy, đã có 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số. 59/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm.
Các địa phương đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thông minh, ứng dụng chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua tỉnh Hưng Yên đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị, quản lý triển khai các dịch vụ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. tỉnh triển khai các phân hệ là các dịch vụ giám sát nền tảng trung tâm điều hành thông minh; hệ thống giám sát điều hành an ninh; hệ thống giám sát điều hành giao thông; hệ thống phản ánh hiện trường; hệ thống giám sát thông tin báo chí và truyền thông; hệ thống giám sát, bảo mật an toàn thông tin; hệ thống phân tích dữ liệu và báo cáo thông tin kinh tế-xã hội; tích hợp hệ thống dữ liệu ngành giáo dục và y tế.
Thành phố Ðà Nẵng đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai đô thị thông minh để cung cấp các dịch vụ thông minh cho người dân, doanh nghiệp dựa trên hạ tầng số và dữ liệu số. Về hạ tầng số, thành phố đã đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng với tổng chiều dài 400km cáp quang ngầm, kết nối các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu thành phố có dung lượng lưu trữ lớn, được thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn, bảo đảm năng lực tính toán và dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và luôn được cập nhật, nâng cấp và mở rộng để xây dựng thành phố thông minh.
Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, các nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh còn chưa có nhiều tiến bộ rõ nét trong các góc độ. Trước hết là thiếu cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại, thiên tai, bão lũ, cũng như đề xuất các khuyến nghị, giải pháp, các vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Nỗ lực để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đô thị như cây xanh, mặt nước tự nhiên, nỗ lực để đô thị xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn, bền vững hơn chưa nhiều. Các giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh chưa nhiều, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách.
Các chuyên gia cho rằng, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị. Các yếu tố quyết định trong triển khai thành phố thông minh và chuyển đổi số thành công, đó là: ban hành các chủ trương, chính sách kịp thời, nhất quán; có sự phối hợp, liên kết của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân; nguồn lực từ nguồn ngân sách và huy động nguồn lực doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Thu Hoài
Bình luận