Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Chủ nhật, 26/03/2023 06:03
TMO - Theo kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cà Mau đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cho Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt hơn 18%, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 5%/năm.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Cà Mau đầu tư 2.014 tỷ đồng để thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (Chương trình). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 220 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 144 tỷ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế 76 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn hợp pháp khác.
Diện tích rừng tại Cà Mau giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ thiên tai.
Chương trình được triển khai nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ban theo Quyết định số 809/QĐ-TTg (ngày 12/7/0222) về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, nhằm quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển và hải đảo, qua đó góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Thông qua việc thực hiện Chương trình trên, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 18%; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 5%/năm, năng suất rừng trồng đạt bình quân 30m3/ha/năm; diện tích rừng trồng sản xuất thâm canh đạt 25.000ha; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so năm 2020...
Theo số liệu thống kê, hiện nay tỉnh Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên hơn 527.000ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp do các đơn vị quản lý là hơn 143.600ha. Trong số này, diện tích có rừng tập trung hơn 94.000ha, phân bổ tập trung chủ yếu ở khu vực rừng U Minh Hạ ở các huyện vùng ngọt, và khu vực rừng ngập mặn ở các huyện vùng mặn chuyên nuôi trồng thủy sản.
Trồng và bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển lâm nghiệp bền vững. Ảnh: HT.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023 trên địa bàn Cà Mau: Tổng khối lượng trồng rừng 2.947ha, trồng rừng mới 301ha, trồng rừng sản xuất205ha, trồng lại rừng sau khai thác 2.646ha, trồng rừng phòng hộ 280ha, trồng rừng sản xuất 2.366ha và trồng cây phân tán 2.800.000 cây. Ngoài ra, kế hoạch còn chăm sóc rừng10.424ha, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 42.154ha. Song song với việc khoanh trồng tái sinh rừng 610ha, khoanh trồng mới 70ha, khoanh trồng chuyển tiếp 540ha.
Để đạt được những kết quả kế hoạch trên, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan theo dõi, đôn đốc công tác trồng lại rừng sau khai thác, trồng rừng mới, trồng cây phân tán, khoanh trồng tái sinh rừng, khoán bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ và chăm sóc rừng.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng cao giá trị rừng ngập mặn và phát triển du lịch sinh thái trên lâm phần. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức quản lý rừng tiếp tục thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững và đánh giá cấp chứng chỉ rừng. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau còn tăng cường vận động trồng cây phân tán trong nhân dân, trồng cây phòng hộ ven sông, kênh, rạch chống sạt lở bảo vệ đất đai. Lồng ghép với đó là công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ cây ven sông, cây phân tán, qua đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở, bảo vệ đất, bảo vệ tài sản nhân dân.
Hà Thu
Bình luận