Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Chủ nhật, 01/10/2023 10:10
TMO - Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức những đoàn công tác hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị y tế cơ sở và người dân biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý nước ăn uống để phòng chống dịch bệnh khi có bão lũ xảy ra.
Theo Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người. Để chủ động phòng tránh dịch bệnh, người dân cần phải đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Tuyệt đối chấp hành chế độ ăn chín và uống sôi. Đặc biệt, sau khi nước lũ rút, cần có các biện pháp xử lý nguồn nước để phòng tránh dịch bệnh sau lũ.
Công tác vệ sinh môi trường cần được khẩn trương tiến hành khi mưa lũ rút, nhằm ngăn chặn các mầm bệnh.
Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, tổ chức những đoàn công tác hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị y tế cơ sở và người dân biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý nước ăn uống để phòng chống dịch bệnh khi có bão lũ xảy ra. Các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 214/MT-SKHC ngày 12/5/2023 của Cục Quản lý Môi trường y tế về việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường trong mùa bão lũ.
Cục Quản lý Môi trường y tế đề nghị các đơn vị xây dựng hoặc rà soát, bổ sung vào kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa của đơn vị các nội dung chi tiết về công tác chuẩn bị trang thiết bị. Phương tiện, nhân lực, các phương án xử lý nước ăn uống, đảm bảo vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế nhằm phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân khi xảy ra bão lũ. Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân các biện pháp vệ sinh môi trường và xử lý nước ăn uống để phòng chống dịch bệnh khi có bão lũ xảy ra.
Công tác xử lý nguồn nước sau mưa lũ là một trong những nhiệm vụ cấp bách để phòng chống dịch bệnh.
Công tác khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt là việc làm cấp bách sau mỗi đợt lũ, lụt xảy ra. Theo đó, khi thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đối với nước giếng, với công đoạn làm trong nước người dân có thể dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) với liều lượng 50g/1 mét khối nước. Nếu nước đục nhiều, có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1 mét khối nước. Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu múc nước hay xô nước, tưới đều dung dịch vào trong lòng giếng nước. Thả gàu múc nước chìm sâu xuống giếng, kéo mạnh gàu lên khoảng 10 lần rồi để yên khoảng 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết, sau đó tiếp tục tiến hành khử trùng.
Về khử trùng nước giếng: Nước giếng bị nhiễm bẩn do lũ lụt về nguyên tắc cơ bản sau khi khử trùng phải có nồng độ chlor thừa là 0,5 mg đến 1 mg trong 1 lít nước. Tính lượng chloramin B cần thiết cho giếng nước trên cơ sở nồng độ cần thiết là 10g/1 mét khối nước. Cũng có thể dùng một số hóa chất khác như chlorure vôi 20% (13g/1 mét khối nước) hoặc chlorure vôi 70% (4g/1 mét khối nước).
Với nước giếng khoan: Người dân cần bơm hết nước đục và bơm tiếp tục khoảng 15 phút để loại bỏ nước có khả năng bị nhiễm bẩn. Sau đó có thể sử dụng được nguồn nước giếng khoan. Mọi người cần chú ý làm vệ sinh sạch sẽ bơm nước và sàn nền giếng khoan.
Đối với công trình nước tự chảy vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết bà con cần kiểm tra và làm vệ sinh vùng đầu nguồn cấp nước. Nếu có xác động vật chết cần chôn lấp để bảo vệ sinh. Phần đất đá và cây cối trôi dạt cần được khơi thông để lấy nguồn cấp đảm bảo vệ sinh. Sau đó, thau rửa bể chứa và đường ống dẫn nước để loại bỏ phần nước lũ không hợp vệ sinh tràn vào. Tuy nhiên để sử dụng, bà con cần xả nước ra các dụng cụ như lu, phi, bồn….để lắng cặn. Dùng phèn chua với liều lượng với liều lượng 50g/1 mét khối nước để lắng trong. Phần khử khuẩn, bà con cần dùng hóa chất chẳng hạn như chlorure vôi 20% (13g/1 mét khối nước) hoặc chlorure vôi 70% (4g/1 mét khối nước)…
Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không thể mua được hóa chất, đồng bào có thế dùng vải bông, than để lọc nước. Tuy nhiên, bà con cần phải đun sôi trước khi sử dụng để hạn chế dịch bệnh sau lũ. Trong trường hợp không có hoá chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.
Thùy Dung
Bình luận