Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ sáu, 17/05/2024 16:05
TMO - Cùng với sự phát triển của các loại hình kinh doanh như siêu thị, trung tâm thương mại...các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn thu hút số đông khách hàng. Trước nhu cầu này, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được chú trọng triển khai.
Theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, trong những năm qua, công tác quản lý, phát triển chợ đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên ngoài một số chợ đã được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, còn nhiều chợ được xây dựng tạm, chưa đồng bộ, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm; sự hiểu biết các quy định về vệ sinh ATTP của một số đơn vị quản lý chợ và các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành hàng thực phẩm trong chợ còn hạn chế.
Hiện nay, chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối thực phẩm tươi sống chiếm ưu thế trong các loại hình phân phối. Phần lớn người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm tại các chợ truyền thống do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi, người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập và được thỏa thuận về giá. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại chợ còn nhiều hạn chế như: một số hàng hóa không đảm bảo vệ sinh ATTP, mặt hàng tươi sống không có bao bì, tem nhãn, không đảm bảo chất lượng, thực phẩm còn tồn dư các chất phụ gia cấm, còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh trong kinh doanh,...
Trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có 455 chợ, tuy nhiên tại hầu hết những chợ đã được đầu tư xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất đều bị xuống cấp (nền chợ thấp hơn nền đường giao thông bên ngoài chợ; hệ thống cống, rãnh thoát nước bị vỡ, hỏng, nước thải bị ứ đọng; hệ thống mái bị vỡ, dột, được sửa chữa chắp vá; hệ thống điện bị quá tải so với thiết kế, lắp đặt ban đầu, các đường điện chiếu sáng không đảm bảo tiêu chuẩn.
Tại một số chợ quận nội thành vẫn tồn tại tình trạng giết mổ gia cầm sống vi phạm quy định tại Quyết định số 71/2007/QĐ-UBND ngày 22/6/2007 của UBND thành phố về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Phần lớn địa điểm giết mổ gia cầm sống tại các chợ không đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP, các hộ thực hiện giết mổ ngay trên nền chợ, dụng cụ giết mổ đạt yêu cầu ATTP, phụ phẩm, lông gia cầm sau giết mổ được thu gom vào túi, vứt ngay ở bãi rác tại chợ gây mất vệ sinh, dễ gây ô nhiễm chéo đối với các nhóm thực phẩm khác tại chợ và là nguy cơ phát sinh cúm gia cầm.
Về xử lý chất thải, phần lớn các chợ chưa thực hiện phân loại chất thải nguy hiểm, chất thải phân hủy, chất thải có thể tái chế... theo quy định, mặc dù các chợ đã ký hợp đồng thuê đơn vị thu gom, xử lý rác thải trong ngày, vẫn còn tình trạng rác thải, nước thải ứ đọng, chưa kịp thời được thu gom bốc mùi khó chịu, là nơi phát sinh vi khuẩn gây bệnh... không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trước nhu cầu tiêu dùng cao, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ ngày càng được chú trọng.
Trước thực trạng trên, UBND TP.Hà Nội triển khai nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu năm 2025 tăng cường công tác quản lý ATTP tại các chợ để cung ứng nguồn thực phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, ATTP phục vụ người dân Thủ đô, đảm bảo quyền lợi và giúp người tiêu dùng dễ nhận biết và có sự lựa chọn phù hợp các sản phẩm thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động quản lý, kinh doanh của đơn vị quản lý chợ, hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng. Quản lý, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố theo hướng văn minh thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh đầu tư, trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất cho công tác quản lý ATTP tại các chợ trên địa bàn Thành phố.
Đến thời điểm này, các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành công tác rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ với tổng số 19.034 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong các chợ, trong đó 15.125 cơ sở thuộc lĩnh vực Nông nghiệp; 2.463 cơ sở thuộc lĩnh vực Công Thương; 1.446 cơ sở thuộc lĩnh vực Y tế. Đến nay, đã có 7.823 cơ sở thực hiện việc đăng ký kinh doanh; 17.109 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP; 13.922 người kinh doanh đã được khám sức khỏe định kỳ; 15.754 người kinh doanh đã được tập huấn kiến thức về ATTP.
Các cơ sở cũng đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh thực phẩm và lưu trữ hồ sơ với 14.484 cơ sở có quầy, kệ trưng bày; 13.125 cơ sở có thiết bị vệ sinh cơ sở; 5.897 cơ sở đã trang bị thiết bị bảo quản; 8.404 cơ sở có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 2.899 cơ sở có sản phẩm thực phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc… UBND các quận huyện thị xã đã hướng dẫn và cấp biển nhận diện cho 2.791 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ đáp ứng yêu cầu tại Đề án.
Bên cạnh đó 6 quận/huyện trên địa bàn Thành phố (Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đông Anh, Mê Linh) đã xây dựng 22 trạm xét nghiệm nhanh để phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm để giám sát thực phẩm tại chợ; 24/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai xây dựng và ban hành quy chế về quản lý đảm bảo ATTP đối với 303 chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn
Đặc biệt, trước thực trạng trên địa bàn còn nhiều chợ đã tồn tại từ lâu, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa bảo đảm yêu cầu về vệ sinh môi trường, ATTP nhất là chợ tại các huyện ngoại thành…Sở Công Thương Hà Nội, tiếp tục thực hiện theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025".
Công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh trong chợ được các ngành chức năng thành phố đẩy mạnh triển khai.
Từ cuối năm 2023, Sở Công Thương đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 306/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024. Với mục tiêu 100% các chợ được giám sát, lẫy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 70% so với thời điểm chưa thực hiện Đề án.
Tiếp tục triển khai xây dựng, lắp đặt nhà trạm xét nghiệm nhanh thực phẩm tại chợ và tổ chức vận hành (mỗi quận huyện thị xã phấn đấu xây dựng tối thiểu 01 nhà trạm xét nghiệm nhanh trong năm 2024, sau đó đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà trạm và chủ động triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn bảo đảm hiệu quả, khả thi). Tăng cường công tác đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố bảo đảm tiến độ theo kế hoạch giai đoạn, kế hoạch năm 2024 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, văn minh thương mại, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và các quy định khác có liên quan.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao tại Đề án, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch, tiến độ cụ thể thực hiện từng chỉ tiêu tại Đề án; tập trung triển đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATTP, các nội dung của Đề án đến 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ; tập trung quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh tại chợ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, điều kiện bảo đảm ATTP để được cấp biển nhận diện; tập trung tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo Kế hoạch số 301/KH-UBND của UBND Thành phố về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.
Đồng thời, nghiên cứu đẩy nhanh triển khai xây dựng, lắp đặt nhà trạm kiểm nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm lưu thông tại chợ, phấn đấu mỗi quận, huyện xây dựng tối thiểu 1 nhà trạm. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản, thực phẩm an toàn bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho Thành phố và các chợ.
Trong đó, các đơn vị quản lý chợ cần đẩy mạnh hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ thực hiện đúng quy định về ATTP và các quy định tại Đề án. Thiết lập số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ về các hành vi vi phạm quy định pháp luật về ATTP. Lập kế hoạch sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất khi có nhu cầu trình cấp có thẩm quyền; các doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ chủ động thực hiện cải tạo, nâng cấp, duy tu chợ bảo đảm cơ sở vật chất tại chợ đáp ứng các yêu cầu về ATTP, vệ sinh môi trường, các yêu cầu tại Đề án,...
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn cần nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật, các quy định nêu tại Đề án và các quy định khác có liên quan trong hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ. Cam kết chỉ kinh doanh thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc sổ sách ghi chép nhật ký hoạt động mua bán để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và cam kết thực hiện đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí của Đề án.
Chấp hành thực hiện theo phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, nội quy chợ được duyệt; lập kế hoạch cải tạo cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ; bố trí người lao động thực hiện khám sức khỏe định kỳ; tập huấn kiến thức ATTP; thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết bảo đảm ATTP; tham gia các chương trình hỗ trợ do Thành phố tổ chức nhằm hoàn thiện, đáp ứng các điều kiện quy định tại Đề án.
Ngọc Hà
Bình luận