Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 00:12
Thứ sáu, 11/10/2024 13:10
TMO - Tỉnh Đắk Nông đang từng bước nâng cao giá trị sản xuất cây công nghiệp chủ lực trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng sinh thái của tỉnh.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và trình độ canh tác nông nghiệp của người dân, tỉnh Đắk Nông đã xác định nhóm các cây trồng chủ lực bao gồm: cà phê, hồ tiêu, cao su và điều. Trong đó, cà phê và hồ tiêu là hai cây trồng mũi nhọn. Trong từng giai đoạn, Đắk Nông ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại hóa, bền vững. Tỉnh khuyến khích người dân tái canh các loại cây trồng chủ lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thu hút đầu tư phát triển.
Đối với cà phê, hiện nay, Đắk Nông có gần 142.000ha, tăng gần 2,2 lần so với năm 2004; sản lượng 372.000 tấn/năm, tăng 3,3 lần so với năm 2004. Tỉnh đã công nhận vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil, với quy mô 335ha. Nhiều HTX và người dân đã chủ động sản xuất cà phê theo hướng đặc sản, chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị. Tỉnh có 34 doanh nghiệp sơ chế, chế biến cà phê, với sản phẩm sau chế biến khoảng trên 400 tấn/năm.
Nhiều HTX và người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động sản xuất cà phê theo hướng đặc sản, chất lượng cao. Ảnh: PT.
Đối với cây hồ tiêu, tỉnh có 16.700ha, tăng 2,5 lần so với năm 2004; sản lượng 67.000 tấn/năm, tăng 6 lần so với năm 2024. Nông dân đã thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao, với 1.549ha tại 2 xã Thuận Hà và Thuận Hạnh, huyện Đắk Song.
Đắk Nông có 23 cơ sở sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn chứng nhận, với quy mô trên 3.000ha. Tỉnh có 6 doanh nghiệp sơ chế, chế biến các sản phẩm hạt tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu trắng và bột tiêu. Sản lượng hồ tiêu sơ chế, chế biến được tiêu thụ khoảng 10.000 tấn/năm, chiếm khoảng 17% tổng sản lượng hồ tiêu của Đắk Nông.
Hiện nay, Đắk Nông có 24.000 ha cao su, tăng 3,1 lần so với năm 2004; sản lượng 34.800 tấn/năm, tăng 14 lần so với năm 2004. Về cây điều, tỉnh có hơn 16.700ha, tăng 2,5 lần so với năm 2004; sản lượng 8.816 tấn/năm, tăng 2,4 lần so với năm 2004. Để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, nhiều năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh thay đổi từ thói quen canh tác truyền thống sang hướng sản xuất bền vững, mang lại giá trị cao cho các loại cây trồng chủ lực.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tận dụng các lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và các yếu tố giá cả thị trường, kinh nghiệm của nông dân, địa phương đang định hướng xây dựng nhiều vùng nguyên liệu tập trung gắn liền với tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng chủ lực. Trong đó, Đắk Nông ưu tiên phát triển các vùng trồng với diện tích lớn, canh tác bền vững, ứng dụng công nghệ cao nhằm năng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, tỉnh khuyến cáo nông dân canh tác theo hướng nông nghiệp sạch; thu hoạch, sơ chế nông sản đủ độ chín để đảm bảo chất lượng; đồng thời tăng cường chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm bán ra thị trường. Từ nay đến năm 2030, Đắk Nông định hướng giữ vững kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su, điều) ở mức trên 980 triệu USD/năm. Tỉnh đang kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nhất là chú trọng đầu tư các nhà máy chế biến gắn với sản xuất. Từ đó, giúp cây trồng chủ lực phát triển theo hướng bền vững.
Địa phương này tiếp tục duy trì diện tích, nâng cao chất lượng tại các vùng trồng cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn.
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng thu nhập cho người sản xuất, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp toàn diện, bền vững bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Đối với cây cà phê, ngành Nông nghiệp tỉnh rà soát, chuyển đổi khoảng 5.973ha cà phê già cỗi, kém chất lượng để canh tác cây trồng khác phù hợp. Các địa phương tiến hành tái canh toàn bộ diện tích cà phê già cỗi năng suất thấp bằng các giống chất lượng cao kết hợp với trồng xen cây ăn quả hoặc cây che bóng góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Tỉnh Đắk Nông xây dựng vùng cà phê đặc sản khoảng 2.000ha với sản lượng 1.500 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Đắk Mil với diện tích 1.340ha, sản lượng ước đạt 1.000 tấn. Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ khoảng 3.000ha, tập trung tại các huyện trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh gồm: Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Glong và các tiêu chuẩn chứng nhận, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Đối với cây hồ tiêu, toàn tỉnh chuyển đổi khoảng 950ha hồ tiêu già cỗi, kém chất lượng, không thích nghi sang các cây trồng khác phù hợp với quy hoạch, điều kiện tự nhiên từng địa phương. Tỉnh cũng hình thành và phát triển thêm 1 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất tại Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa với diện tích 300 ha, nâng tổng số vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh lên thành 3 vùng với diện tích đạt khoảng 1.849 ha.
Đối với cây điều, tập trung tái canh hoặc ghép cải tạo các vườn điều cũ năng suất thấp bằng các giống điều mới năng suất cao có khả năng kháng bệnh và chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái từng địa phương. Các nhà vườn kết hợp trồng xen với các cây ăn quả và đầu tư thâm canh để tăng năng suất điều lên trên 2 tấn/ha. Chuyển đổi 288,04ha diện tích điều già cỗi, năng suất thấp, không thích nghi hoặc hoặc ít thích nghi sang các cây trồng khác có tiềm năng thích nghi hơn.
Đối với cây cao su, tỉnh chú trọng trồng theo đúng quy trình kỹ thuật và sử dụng các giống ghép năng suất cao, kháng bệnh và chịu hạn tốt. Chuyển đổi diện tích cao su già cỗi, năng suất thấp, không thích nghi hoặc hoặc ít thích nghi sang các cây trồng khác có tiềm năng thích nghi đến năm 2030 khoảng 1.346ha.
Tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến 2030 phát triển thêm 10 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây công nghiệp chủ lực. Trong đó, cà phê 4 chuỗi, điều 1 chuỗi, hồ tiêu 4 chuỗi và cao su 1 chuỗi.
Tỉnh xây dựng và duy trì vùng cây công nghiệp chủ lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng số vùng sản xuất nông nghiệp được công nghệ cao công nhận đến năm 2030 đạt khoảng 10 vùng với diện tích đạt khoảng 5.074ha gồm: 7 vùng cà phê với diện tích 3.225ha, 3 vùng hồ tiêu với diện tích 1.849ha. Tỷ lệ diện tích cây công nghiệp chủ lực cà phê, hồ tiêu, cao su, điều sản xuất có chứng nhận tiêu chuẩn đạt từ 20% trở lên. Cùng với đó, tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản để nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực hướng tới thị trường xuất khẩu.../.
P. Vinh
Bình luận