Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ hai, 01/07/2024 14:07
TMO - Thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, máy cuốn rơm được đưa vào sử dụng rộng rãi, góp phần giải quyết tối ưu về việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hướng đến bảo vệ môi trường tự nhiên, giảm hẳn tình trạng đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh, tính đến ngày 20/6, toàn tỉnh Bắc Ninh đã thu hoạch được 27.401,6 ha lúa Xuân, đạt 95,5% tổng diện tích gieo cấy, năng suất ước đạt 66,94tạ/ha, tăng 0,65 tạ/ha so vụ Xuân năm 2023, tổng sản lượng ước đạt hơn 192.795 tấn.
Tuy nhiên, với diện tích lúa như vậy nguồn phế phẩm rơm rạ của tỉnh Bắc Ninh là khá lớn. Nếu như trước đây, sau khi thu hoạch lúa, việc thu gom rơm rạ để vận chuyển về nhà tốn nhiều công sức nên nhiều người dân bỏ rơm rạ lại các cánh đồng, các tuyến đường hoặc xử lý bằng cách đem đốt. Hiện nay, tại một số địa phương ở tỉnh Bắc Ninh, nhờ sự tiện ích của cơ giới hoá, bà con nông dân đã sử dụng máy cuốn rơm rạ để thu gom rơm sau thu hoạch, mang lại sự tiện lợi, hiệu quả, góp phần tận dụng phế thải rơm rạ sau thu hoạch và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của ngành chức năng, máy cuốn rơm là dịch vụ điển hình cho kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp khi chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác, giảm tối đa sự lãng phí và chất thải ra môi trường.
Máy cuốn rơm được người dân tích cực sử dụng trên đồng ruộng. Đơn cử như trên cánh đồng tại thôn Tỳ Điện, (xã Phú Hòa, huyện Lương Tài), 3 chiếc máy cuộn rơm của anh Vũ Bá Tuyển (xã Cao Đức, Gia Bình) đang được hoạt động “hết công suất”. Anh Vũ Bá Tuyển cho biết, năm 2021, sau khi nghiên cứu, anh Tuyển đã tận dụng máy làm đất sẵn có của gia đình, mua thêm một dàn máy cuốn thay thế dàn xới phía trước để thu gom rơm. Vận hành thử nghiệm thành công, sau đó tiếp tục mua thêm 1 chiếc máy cuộn rơm tự hành để nâng công suất 80-120 cuộn/giờ.
Được biết cả 2 loại máy này hoạt động tốt trên cả nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Sau đó, rơm được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động thành các cuộn to. Mỗi cuốn rơm hoàn thành trung bình chỉ từ 1-2 phút, sản lượng thu gom rơm đạt từ 4-5 cuộn/ sào. Với giá bán khoảng 20-25.000 đồng/cuộn, trừ đi chi phí vận chuyển, anh Tuyển cũng thu được từ 500-600.000 đồng/ngày.
Máy cuốn rơm góp phần giải quyết phế phẩm rơm rạ sau thu hoạch, làm nguồn phân bón hữu cơ an toàn. (Ảnh minh hoạ).
Máy cuốn rơm tự hành có nhiều ưu điểm hơn, giúp người dùng lựa chọn kích thước cuộn rơm theo đường kính hoặc theo khối lượng rơm. Máy có thùng chứa lớn, cho phép chở tối đa 30 cuộn rơm hoặc một tấn nông sản đưa về nơi thu gom, bảo quản. Tuy nhiên, mức giá của chiếc máy này khá cao, khoảng 400 triệu đồng.
Sử dụng máy cuốn rơm, sợi rơm không bị nát, gọn nhẹ, dễ chuyên chở. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người nông dân trồng màu tận dụng được rơm sau đó. Theo nhận định của người dân thuộc vùng chuyên canh trồng màu tại thôn Thận Trai, xã Minh Tân (huyện Lương Tài) thông tin, với một mẫu ruộng canh tác cà rốt, dưa lê…mỗi vụ (1ha =2,78 mẫu), người dân phải sử dụng hàng trăm cuộn rơm để che phủ, sau khi rơm mục sẽ thành phân hữu cơ tăng cường độ tơi xốp cho đất.
Trước đây, hầu hết các hộ dân trồng màu đều phải tìm mua rơm cuộn ở các tỉnh xa chuyển về nên mất thời gian chờ đợi. Giờ đây, ngay trên địa bàn huyện Lương Tài đã có máy cuốn rơm, do đó người dân có thể mua rơm cuộn nhanh chóng, tiết kiệm được cả chi phí vận chuyển.
Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Lương Tài thông tin, trên địa bàn hiện có hơn 10 chiếc máy cuốn rơm của người dân địa phương, ngoài ra còn các hộ làm dịch vụ ở nơi khác đến. Nhờ công cụ này, tình trạng đốt rơm bừa bãi gây ô nhiễm môi trường được hạn chế và làm tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất khi nhu cầu về rơm cho chăn nuôi và trồng màu là rất lớn.
Ước tính với diện tích sản xuất rau màu của huyện là 2.600 ha, riêng với cây cà rốt cần khoảng 7- 8 cuộn rơm/ sào, nhu cầu dùng rơm trên địa bàn gần trăm triệu tấn/ năm. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch để cuốn rơm khá ngắn, số lượng máy chưa nhiều nên sản lượng, diện tích xử lý rơm còn rất hạn chế so với nhu cầu. Hầu hết rơm được chủ máy và người dân trao đổi theo hình thức xin - cho, chưa ký hợp đồng nên chưa có sự bảo đảm lâu dài...
Máy cuốn rơm đã giúp xử lý khối lượng rơm rạ khá lớn sau mỗi vụ thu hoạch, mang lại những lợi ích đáng kể. Đó là tăng thu nhập nhờ bán rơm, xử lý triệt để gốc rạ, đảm bảo làm đất và gieo cấy kịp thời vụ, tiết kiệm công dặm tỉa, giảm lượng phân bón vô cơ nhờ lượng phân hữu cơ cung cấp trở lại sau quá trình gốc rạ phân hủy. Có thể thấy, nông dân đã hưởng đa lợi ích từ việc cuốn rơm bằng máy. Đặc biệt, việc đưa máy cuốn rơm vào sản xuất cũng là tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.
Mạnh Hoàn
Bình luận