Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ sáu, 03/05/2024 14:05
TMO - Nắng nóng, hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Từ thực tế này, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, qua đó giảm chi phí sản xuất, đảm bảo nguồn nước cho cây trồng.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, Gia Lai đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài khiến mực nước ở nhiều ao, hồ thuỷ lợi sụt giảm nghiêm trọng gây hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương. Người dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề do hàng trăm nghìn ha cây trồng thiếu nước tưới. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay tăng từ 0,8 – 1,3 độ C so với mức trung bình nhiều năm. Lượng mưa trong mùa khô cũng giảm đáng kể, dự báo từ nay đến tháng 7 lượng mưa tiếp tục thấp hơn từ 10 – 25%.
Trước tình hình hạn hán cục bộ diễn ra ở nhiều địa phương, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông nghiệp. Các kế hoạch phòng chống và ứng phó được thực hiện từ cấp tỉnh đến địa phương, bao gồm việc triển khai các giải pháp phù hợp với diễn biến thời tiết để bảo vệ cây trồng.
Đối với người nông dân, để kịp thời cứu hạn cho cây trồng, cung cấp nguồn nước tưới vừa đủ, tránh lãng phí trong thời kỳ cao điểm khô hạn, các ứng dụng công nghệ, hệ thống tưới nước tiết kiệm đã được đẩy mạnh áp dụng. Hệ thống này giúp tiết kiệm nguồn nước tưới vào mùa khô, tăng năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 48.416,5 ha cây trồng các loại ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gồm: 13.486,8 ha cà phê, 2.530,4 ha hồ tiêu, 7.646 ha rau màu, đậu đỗ các loại, 11.823 ha cây ăn quả, 4.116 ha mía... Trong đó, người dân tự đầu tư 38.602 ha, doanh nghiệp đầu tư 9.633 ha và Nhà nước hỗ trợ 181 ha. Đây là cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại huyện Chư Păh, nhiều đơn vị, cá nhân trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên các loại cây trồng chủ lực của địa phương như sầu riêng, chanh dây, cà phê và dưa lưới với tổng diện tích khoảng 672 ha. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến giúp tiết kiệm 30% lượng nước trong mùa khô. Đồng thời, công nghệ tưới này còn tăng hiệu quả sử dụng phân bón 20-30%, giảm công lao động đến 50%, trong khi năng suất, chất lượng vườn cây tăng lên.
Hay tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, thấy được hiệu quả tích cực từ ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, cây nông nghiệp tăng năng suất sản lượng, vượt qua được thời kỳ khô hạn trong giai đoạn thời tiết cao điểm nắng nóng, nên hầu hết bà con đều triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm này. Ngoài ra, nhiều hộ trồng sầu riêng còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tận gốc giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, không lo thiếu nước tưới và giảm khá nhiều chi phí đầu tư.
Người dân huyện Krông Pa lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây thuốc lá. Ảnh: LN.
Còn tại huyện Đak Pơ, người dân cũng đã áp dụng công nghệ tưới tiên tiến trên các loại rau màu, cây ăn quả. Đến nay, toàn huyện có hơn 617 ha cây trồng cạn ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Trong đó, nông dân tự đầu tư ứng dụng hơn 596 ha; HTX và doanh nghiệp 14 ha và Nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình khoảng 6,5 ha.
Công nghệ tưới nước tiết kiệm mang lại nhiều thuận lợi cho người nông dân, chỉ cần thao tác bấm, mở khóa, hệ thống nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng thấm sâu và hấp thụ, không bị thất thoát, nên tiết kiệm tối đa nguồn nước tưới. Tưới nước tiết kiệm giúp giữ độ ẩm đất, không gây úng cục bộ như tưới tràn, giúp bộ rễ cây phát triển khỏe. Thêm vào đó, phân bón được hòa với nước theo liều lượng định sẵn, có thể đưa vào hệ thống đường ống tưới, phân phối đều tới các cây, hạn chế bốc hơi, tăng hiệu quả sử dụng. Nhờ đó, tiết kiệm khoảng 50% lượng nước, điện năng tiêu thụ và công lao động so với trước đây. Ngoài ra, có thể điều chỉnh vùng tưới, lượng nước, thời gian tưới theo từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây.
Ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm được đánh giá là xu hướng phát triển mới và đem lại nhiều hiệu quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Các mô hình trồng cây được áp dụng quy trình kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để tưới... nhằm tiết kiệm nước, giảm nhân công và bảo đảm cấp nước theo nhu cầu của cây trồng phù hợp trong từng giai đoạn sinh trưởng. Trong cao điểm khô, sông hồ cạn kiệt nước, việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp tối ưu, hiệu quả, nâng cao sản lượng, chất lượng của tỉnh Gia Lai trong giai đoạn hiện tại và cả những giai đoạn đoạn tiếp theo.
Trung Hiếu
Bình luận