Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ sáu, 26/07/2024 07:07
TMO - Thời gian qua, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) đã tích cực xây dựng các thôn, xã hiện đại, thông minh, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Thông tin từ Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Yên Khánh, thực hiện Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 16/10/2022 của UBND huyện Yên Khánh về triển khai thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn huyện Yên Khánh và Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, thời gian qua, huyện Yên Khánh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn thông minh; bố trí nguồn kinh phí thực hiện chuyển đổi số và xây dựng NTM kiểu mẫu; tiếp tục huy động lực lượng tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới nông thôn thông minh có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục bắt tay vào xây dựng nông thôn thông minh. Ðến nay, nhiều xã trong địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc, đạt các tiêu chí về thôn thông minh.
Bám sát quy định của các cấp về xây dựng xã NTM kiểu mẫu, nhiều thôn thông minh đang hiện hữu khắp nơi trên địa bàn huyện Yên Khánh. Đến nay, 16/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Khánh đã thực hiện, đạt 85,6%; xây dựng 8 thôn thông minh; hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến 100% thôn, xóm, phố; 100% dân cư được phủ sóng thông tin di động 4G, 5G; trên 90% người dân trong độ tuổi sử dụng điện thoại thông minh; trên 80% hộ gia đình có sử dụng Internet và điện thoại thông minh
Cụ thể, trên địa bàn xã Khánh Cư, để triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số và xây dựng thôn thông minh, xã Khánh Cư lựa chọn thôn Xuân Dương 2 để chỉ đạo thực hiện. Sau 1 năm triển khai, đời sống của người dân thôn Xuân Dương 2 đã và đang có những đổi thay tích cực.
Từ ngày triển khai chuyển đổi số, thực hiện mô hình thôn thông minh, vượt qua những khó khăn, việc triển khai các công việc của thôn xóm đã thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều, đồng thời phong cách làm việc cũng mới mẻ, hiện đại hơn, hiệu quả công việc tăng lên. Nếu như trước đây các cán bộ thôn phải túc trực hàng ngày tại nhà văn hóa để giải quyết công việc thôn, trực hệ thống loa truyền thanh... thì nay, với chiếc điện thoại thông minh, ở bất cứ đâu cán bộ thôn cũng có thể giải quyết công việc. Năm 2023, thôn Xuân Dương 2 được công nhận là thôn thông minh.
(Ảnh minh họa).
Còn tại xã Khánh Hòa khi xây dựng xóm thông minh, mọi việc của xóm Chùa đã được "số hóa" nhanh chóng. Trước đây, khi thông báo các sự kiện, hội họp, cán bộ xóm Chùa sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số người dân nắm bắt nội dung không kịp thời. Giờ đây, với ứng dụng thành lập nhóm Zalo của xóm, người dân đã nhận được thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Với 245 hộ với 730 nhân khẩu, để thuận tiện cho công việc, xóm Chùa đã lập nhóm Zalo cộng đồng. Đến nay, các thành viên trong nhóm thường xuyên tương tác. Thông qua nhóm Zalo giúp truyền tải các thông tin về triển khai hội họp, triển khai nghị quyết, các phong trào thi đua, giúp người dân cập nhật thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện; việc quản lý an ninh trật tự; đảm bảo vệ sinh môi trường thực hiện hiệu quả.
Hiện nay, hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh trên địa bàn huyện Yên Khánh đều thành lập được trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên ứng dụng mạng xã hội Zalo. Cùng với sự hỗ trợ của xã, các thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến trục đường chính.
Việc thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử; hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng điện tử;…cũng được tăng cường tuyên truyền. Lãnh đạo UBND xã Khánh Hòa cho biết, năm 2023, xã Khánh Hòa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 10/10 xóm đã đạt xóm NTM kiểu mẫu, 2 xóm thông minh.
Hiệu quả của mô hình xây dựng thôn thông minh là cơ sở để huyện Yên Khánh nhân rộng, tạo tiền đề hướng tới xây dựng NTM thông minh. Từ đó giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết, quan tâm cài đặt và sử dụng dịch vụ số để phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn trong thời đại số, hướng đến xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.
Diệu Trang
Bình luận