Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/09/2024 14:09
Chủ nhật, 01/09/2024 06:09
TMO - Nhằm quản lý và cung cấp thông tin cảnh báo sớm về biến động của rừng cũng như kịp thời phát hiện các đám cháy rừng, tỉnh Nghệ An đã và đang đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ, sử dụng phần mềm hiện đại trong giám sát rừng, mang lại hiệu quả cao trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao khiến ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, ngành lâm nghiệp Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đặc biệt hạn chế tối đa những vụ cháy rừng, gây mất rừng.
Triển khai thực hiện Quyết định số 799/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động quốc gia về "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng" giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là REDD+), tỉnh Nghệ An đã khuyến khích chính quyền, người dân từ cấp cơ sở tham gia Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.
Dự án thực hiện 4 năm (từ năm 2020-2024) trên địa bàn 18 thôn, bản của 6 xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái (Tương Dương, tỉnh Nghệ An) và Na Ngoi, Hữu Kiệm, Tây Sơn (Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), với hơn 210 thành viên.
Trong 4 năm qua, mạng lưới giám sát rừng độc lập (FCIM) của các thôn, bản kết hợp với 6 ban FCIM cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện 545 đợt thực địa hiện trường, xác nhận 577 điểm mất rừng và phản hồi lên hệ thống Terra-i. Những người tham gia nhóm FCIM đều là lực lượng nòng cốt của các tổ chức chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, chi hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên và các đội tuần tra bảo vệ rừng.
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) cho biết, thông qua hoạt động của các nhóm FCIM, người tham gia được cung cấp thiết bị công nghệ GPS, điện thoại thông minh, được tập huấn việc sử dụng công nghệ viễn thám, hệ thống Terra-i vào quản lý rừng. Chỉ cần có sự thay đổi, biến động ở rừng, ngay lập tức sẽ có thông báo đến điện thoại thông minh của đội ngũ giám sát rừng. Máy sẽ thông báo chính xác vị trí phát hiện thay đổi, giúp tổ kiểm soát có thể đến nhanh, đúng địa điểm để xác minh. Từ đó, các thành viên sẽ kiểm tra thực địa, kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng xử lý. Sự hỗ trợ của công nghệ giúp việc giám sát, bảo vệ rừng trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn.
Các tổ, nhóm FCIM theo dõi rừng bằng công nghệ hiện đại. Ảnh: BNA.
Hàng tháng, nhóm FCIM sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống Terra-i, nếu phát hiện sự biến động của rừng, trưởng nhóm sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và tiến hành điều tra thực địa. Sau đó, nhóm sẽ cập nhật thông tin lên hệ thống Terra-i và báo cáo cho các ban FCIM cấp xã, huyện và các bên liên quan để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Việc xác định các điểm có biến động về cây rừng dễ dàng nên tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và công sức cho các tổ tuần tra bảo vệ rừng, góp phần ngăn chặn tình trạng mất rừng trên địa bàn. Hệ thống cũng tạo điều kiện cho mọi người được tham gia vào quá trình giám sát tình trạng biến đổi của rừng trên thôn, bản mình.
Bên cạnh đó tại các địa phương các nhóm, ban FCIM còn liên tục tổ chức các lớp tập huấn cho người dân bản địa. Thông qua các lớp tập huấn, các thành viên được truyền đạt kiến thức, được hướng dẫn sử dụng thuần thục các thiết bị, phần mềm vào việc quản lý, bảo vệ rừng.
Đại diện Dự án FCIM xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) chia sẻ, trước đây không biết khu vực rừng của các bản quản lý nằm ở đâu, có diễn biến mất rừng như thế nào, nhưng nhờ hệ thống Terra-i các thành viên đã nắm bắt được thông tin về tình trạng rừng của địa bàn mình. Hệ thống Terra-i sử dụng khá đơn giản, có thể kiểm tra thông tin biến động của cây rừng ở bất cứ nơi đâu, người dân nào cũng có thể được tiếp cận thông tin biến đổi của rừng.
Ứng dụng công nghệ viễn thám đội giám sát bảo vệ rừng đã ghi nhận 1.626 điểm cảnh báo mất rừng. Ảnh: BNA.
Nhờ ứng dụng công nghệ viễn thám, thiết bị số vào quản lý, bảo vệ rừng, nhờ đó, trong vòng 4 năm qua, các nhóm đã phát hiện, ghi nhận 1.626 điểm cảnh báo mất rừng 4.000 ha; 18 nhóm FCIM thôn, bản kết hợp với 6 ban FCIM cấp xã đã thực hiện 545 đợt thực địa hiện trường, xác nhận 577 điểm mất rừng và phản hồi lên hệ thống Terra-i, có 488 điểm cảnh báo chính xác, phát hiện thêm 50 điểm.
Để phát triển diện tích rừng, trong năm 2023, trên lĩnh vực trồng rừng, Nghệ An đã trồng được khoảng 22.768 ha đạt 123,1% kế hoạch, bảo vệ tốt 962.230 ha diện tích rừng hiện có. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,33%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt trên 133 tỷ đồng. Trong năm toàn tỉnh đã tạo được hơn 38,2 triệu cây giống các loại, đạt 116,0% kế hoạch, khai thác rừng trồng tập trung 1,7 triệu m3, đạt 113% kế hoạch.
Ứng dụng công nghệ, phần mềm kỹ thuật hiện đại đã hỗ trợ các nhóm chuyên trách bảo vệ rừng giảm tải được khối lượng công việc, kịp thời phát hiện những biến động của rừng sớm nhất, từ đó hạn chế được tối đa thiệt hại, ảnh hưởng đến rừng. Nhờ sự đóng góp hiệu quả và áp dụng rộng rãi công nghệ số, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về rừng của tỉnh Nghệ An ngày càng được nâng cao. Rừng được giữ vững ổn định và phát triển cả về diện tích và chất lượng, qua đó đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc trưng, các loài đặc hữu, loài nguy cấp, quý hiếm; đồng thời bảo đảm chức năng phòng hộ của tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Nga
Bình luận